Kết quả của đề bài mang tính chất khảo sát thật đáng suy nghĩ: 23/30 học viên cho rằng việc xả rác bừa bãi nơi công cộng là một trong ba thói xấu tệ hại nhất. Đặc biệt, học viên Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng các loại “rác” mà người Việt xả ra bừa bãi nơi công cộng sẽ là “củi” để làm nên ngọn lửa đốt cháy mọi lời hứa hẹn về vẻ đẹp tiềm ẩn!
Học viên Hồ Ngọc Hiếu đưa ra một dẫn chứng (có thực) khiến cho tất cả chúng ta phải não nề: một cô gái Tây đang ngồi xích lô du ngoạn trên đường phố đã “vô tình” hứng luôn bãi nước bọt của người đi xe máy vào mặt, đã đổi vé máy bay, ngay lập tức rời VN trong chiều hôm ấy...
Ngẫu nhiên và tình cờ như là trò đùa oái oăm của tạo hóa: người viết bài này đọc và chấm các bản thu hoạch trong những ngày mà mở mạng ra, đâu đâu cũng thấy sự phàn nàn, xa xót về chuyện “rác” ở một đám tang...
Chắc chắn đã không còn là chuyện “tình cờ” nữa rồi khi có sự trùng hợp từ suy nghĩ, quan sát của hàng chục con người ở Huế với những gì đã và đang diễn ra ở Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi xa xôi.
Ứng xử thiếu văn hóa hay dịch bệnh phản văn hóa dường như đã tạo ra vô số rác trong cuộc đời này.
Thèm – khát được nhìn thấy tận mắt các thần tượng đã tạo ra cái loại “rác” không đâu có trên thế gian này: hàng ngàn người kéo đến đám tang gây tắc nghẽn giao thông chỉ để vỗ tay, chụp ảnh ai đó mà họ thích, bất chấp cái lẽ ai cũng biết rằng đó là điều tối kỵ.
Các “thần tượng” cũng tạo ra “rác” theo cách riêng của họ: Người thì coi đây là dịp để tô son sao cho đỏ chót thay vì một chút son thẫm màu; người thì mặc quần rách đến 30%, giẫm cả giày lên chiếu; người thì mặc sao đó để cái áo và cái khoảng trống trên ngực thật “mênh mông” nhất, nổi bật nhất có thể...
Tại sao không một ai nghĩ rằng đám tang không phải là sàn diễn để mà phô mà PR?
Cha ông dạy học ăn, học nói, học gói, học mở. Chắc chắn đó là lời khuyên hay hơn cả... Lê Nin. Lê Nin chỉ nhấn mạnh có 3 lần học, học nữa, học mãi và, chẳng ai biết học cụ thể cái gì. Tổ tiên của người Việt đã rất sâu sắc, cụ thể khi khuyên hậu duệ phải học “gói' sao cho đúng, “mở cái nhân cách” sao cho phải, ăn thì phải trông nồi, ngồi thì phải trông hướng, nói thì phải lựa (chọn) lời...
4 chữ học như 4 mặt cười của những bức tượng Ấn Độ giáo ở Angkor, như là hằng số của cuộc đời – “đi hết” theo 4 giai đoạn của mọi kiếp người từ sinh đến lão, bệnh, tử; cũng như vì 4 mục đích sống, 4 con đường phải đi – mục đích đến với con đường trí tuệ (jnana marga), rồi tạo nghiệp (karma), hưởng thụ (kama) và bhakti – dâng hiến(các thuật ngữ trong bài này là của C.Scott Littleton, Trí tuệ phương Đông)...
Những ngày này cũng là những ngày báo chí “tổng kết” về rác cụ thể ngập tràn ở các điểm du lịch, ở nơi hàng vạn người tụ tập xem bắn pháo hoa. Những thứ rác được quăng, bỏ bừa bãi ấy so với nạn chèo kéo, đeo bám, chặt chém du khách, cái nào bẩn hơn? Đeo bám du khách thì còn lý giải và bào chữa phần nào cho cái lẽ sinh nhai chứ đeo bám cả đám tang thì quả là... hết biết!
Có lẽ, các thầy cô từ lớp mẫu giáo nên dạy cho trẻ về sự “phân loại” tất cả các thứ rác trong ứng xử, trong ăn mặc, nói năng... Chẳng hạn, chỉ cần nhìn thấy TT G. Bush xuất hiện trên TV với áo sơ mi trắng, cà vạt đỏ, complet xanh thẫm (3 màu của cờ Mỹ) là dân chúng Hoa Kỳ hiểu ngay rằng ông ta sắp tuyên bố điều hệ trọng – tuyên bố phát động chiến tranh với Afghanistan tháng 12.2001!
Dạy cho một đứa trẻ biết rằng mặc một cái áo “khác người” trong một đám tang là điều không nên, khạc nhổ ngay trong sân nhà mình cũng là không được (vì có thể xúc phạm người hàng xóm) đâu có khó khăn?
Nói ra, ai cũng biết chuyện xả “rác” bừa bãi là không nên. Vậy mà, trong tất cả các lớp học, giờ học đạo đức công dân chỉ nói về những điều cao siêu? Phải chăng cả trẻ con và người lớn đều đang bay trên mây nên không nhìn thấy rác trên mặt đất này?
Huế, 10.5.2015
Hà Văn Thịnh