Nguồn nước sinh hoạt quan trọng của TP.HCM là sông Sài Gòn - Đồng Nai đang bị ô nhiễm trầm trọng. Việc cấp thiết hiện nay là tìm nguồn nước mới cho TP.HCM.
Ô nhiễm trầm trọng
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) TP.HCM, kết quả quan trắc cho thấy chất lượng nguồn nước cung cấp phục vụ sinh hoạt của hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai đang bị suy giảm nghiêm trọng. Trên sông Sài Gòn, nồng độ vi sinh, COD, BOD5 đều vượt rất cao tiêu chuẩn cho phép. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên sông Đồng Nai. Đợt khảo sát mới đây tại 22 quận huyện cho thấy ô nhiễm nước sông Sài Gòn đã vượt mức báo động. Con sông này mỗi ngày phải tiếp nhận hàng trăm nghìn mét khối nước thải công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi chưa qua xử lý. Trong số 269 nguồn thải có lưu lượng trên 50 m3/ngày có đến 109 nguồn không có hệ thống xử lý nước thải. Một số doanh nghiệp đã có hệ thống xử lý nhưng nhiều chỉ số ô nhiễm nước thải sau xử lý vượt tiêu chuẩn cho phép.
Chi cục BVMT TP.HCM nhận định nếu điều tra đầy đủ hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất tại TP, lượng nước thải chưa xử lý đổ ra sông Sài Gòn sẽ nhiều hơn. Năm 2010, tổng lượng nước thải sinh hoạt đổ ra sông Sài Gòn khoảng 890.700 m3/ngày (bao gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và TP.HCM). Dự kiến đến năm 2020, lượng nước thải sinh hoạt đổ ra sông Sài Gòn sẽ lên đến gần 1,1 triệu m3/ngày. Tình trạng ô nhiễm kênh, rạch ở TP đang có chiều hướng gia tăng, tiếp tục ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước sông Sài Gòn.
|
Giải pháp đúng cho trước mắt và lâu dài
Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, cho rằng việc TP.HCM chủ trương sẽ lấy nguồn nước sinh hoạt trực tiếp cho người dân ở hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An thay vì phải lấy từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai là ý tưởng đúng không những cho giai đoạn trước mắt và cả về lâu dài khi phải đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tuy nhiên, cần nghiên cứu tính toán cụ thể về thời điểm thực hiện, vấn đề quy hoạch không gian và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. |
|
Trên lưu vực sông Đồng Nai hiện có 103 khu công nghiệp. Mỗi ngày có hàng triệu mét khối nước thải công nghiệp, sinh hoạt đa số chưa qua xử lý đổ ra sông này. Đáng nói, việc kiểm tra, xử phạt những đơn vị thải nước bẩn ra sông chưa nghiêm túc (riêng nước thải sinh hoạt khoảng 2,7 triệu m3/ngày). Các chỉ số môi trường nước sông Đồng Nai đều vượt chuẩn nhiều lần, gây nguy hại sức khỏe người sử dụng. Tình trạng cá nuôi trên sông Đồng Nai chết hàng loạt xảy ra thường xuyên.
Dùng nước hồ thay sông
Theo Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai hiện cung cấp nước thô cho nhiều nhà máy xử lý nước sinh hoạt tại TP.HCM (chưa kể Bình Dương, Đồng Nai) như: Tân Hiệp, Thủ Đức, BOO Thủ Đức. Đây là nguồn cung cấp nước sạch cho gần 10 triệu dân TP. Nếu tình trạng ô nhiễm, nhiễm mặn trên sông Sài Gòn, Đồng Nai tiếp tục tăng vượt quá khả năng xử lý của các nhà máy nước, sẽ gây hậu quả rất lớn. Sawaco đã kiến nghị UBND TP và các cơ quan hữu trách khẩn cấp có giải pháp cứu sông Sài Gòn - Đồng Nai. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp thực hiện cụ thể.
Cuối tháng 6 vừa qua, UBND TP.HCM đã trình Thường trực Thành ủy thông qua đồ án Quy hoạch tổng thể cấp nước TP đến năm 2025 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. UBND TP đề nghị được khẩn trương triển khai chương trình nghiên cứu khả năng và quy mô khai thác nước thô từ hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng thay thế cho nguồn nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn nhằm cung cấp nước sạch cho người dân TP trong bối cảnh nhiều tác động của biến đổi khí hậu và mức độ ô nhiễm gia tăng. UBND TP cũng đề nghị giám sát chặt chẽ các nguồn nước thô và thực hiện kiểm tra chất lượng các nguồn nước; kiến nghị Chính phủ cho thực hiện một chiến lược quản lý thống nhất tài nguyên nước trong lưu vực sông Đồng Nai - sông Sài Gòn; tạo mọi điều kiện nhằm đảm bảo các dự án mở rộng Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà máy nước Tân Hiệp,
Nhà máy nước Kênh Đông... Trong khi chờ những giải pháp lâu dài ở cấp cao, Công ty cổ phần cấp nước Sài Gòn Dầu Tiếng (Sadacorp) và Sawaco đã có kế hoạch triển khai xây dựng hệ thống ống cấp nước sạch dài 60 km dẫn nước thô từ hồ Dầu Tiếng về Nhà máy nước Tân Hiệp và Nhà máy nước Kênh Đông.
Sadacorp cho biết đơn vị này sẽ xây thêm một nhà máy xử lý nước công suất 600.000 m3/ngày trong khuôn viên Nhà máy nước Tân Hiệp hiện hữu. Dự án đang được Sadacorp trình Chính phủ, UBND TP.HCM và các bộ ngành phê duyệt. Tổng vốn đầu tư khoảng 7.500 tỉ đồng, dự kiến hoạt động năm 2015.
Nguyễn Đình Mười