Thứ 3, 8/1/2008 9: 21: 15 A.M

Liên hệ:
Chứng khoán Mỹ giảm thấp nhất trong hơn 5 năm
Chứng khoán Mỹ giảm thấp nhất trong hơn 5 năm

Thị trường chứng khoán Mỹ hôm qua (19/11) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003, trong bầu không khí lo ngại về triển vọng kinh tế ảm đạm mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự báo và số phận của 3 nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ.

Mặc dù tăng điểm trong đầu phiên giao dịch nhưng một đợt bán ra ồ ạt vào những phút cuối của ngày đã khiến Dow Jones rơi thảm hại. Đối với nhiều nhà đầu tư, khả năng chính phủ Mỹ không cứu ngành công nghiệp ô tô là thảm hoạ đáng sợ hơn nỗi lo ngại suy thoái kinh tế. 

Chỉ số S&P 500 giảm tới 6,12% xuống 806,58 điểm, trong khi chỉ số Dow Jones giảm 427,47 điểm, tương đương 5,07% xuống 7.997,28 điểm. Cả hai chỉ số này đều đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2003.

Đợt bán ra hôm qua tại Sở giao dịch chứng khoán New York đã làm bất ngờ các nhà quan sát. Chỉ có 158 cổ phiếu công ty tăng điểm trong khi 2.943 cổ phiểu khác giảm điểm. Khối lượng giao dịch cũng giảm, một diễn biến thường thấy gần đây, chỉ có 1,63 tỷ CP được giao dịch trong phiên. 

Các chỉ số khác trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng không tránh được cơn bão này. Chỉ số công nghiệp Nasdaq giảm 6,53% xuống 1.386,42 điểm. Chỉ số Russell 2000 của các công ty vừa và nhỏ giảm tới 7,85 %, còn 412,38 điểm.

Điều làm các nhà đầu tư lo sợ nhất hiện nay chính là việc các tập đoàn General Motors Corp., Ford Motor Co., và Chrysler LLC có thể sẽ không được nhận 25 tỷ USD cứu trợ trước khi kết thúc năm nay. Lãnh đạo của cả 3 tập đoàn trên đều cho các nhà lập pháp biết là thời gian đang không còn nhiều và nếu một trong số họ sụp đổ thì sẽ gây là một tác động kinh hoàng đối với nền kinh tế vốn đang suy thoái.  

Các nghị sĩ đảng Dân chủ đang kêu gọi sử dụng một phần trong kế hoạch 700 tỷ USD để giúp đỡ cho ngành công nghiệp ô tô, nhưng các nghị sĩ Đảng Cộng hoà phản đối đề nghị này. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson cũng không đồng tình với kế hoạch này.

Bên cạnh nỗi lo cho ngành ô tô, Cục Dữ trữ liên bang Mỹ còn “thêm dầu vào lửa” khi giảm mạnh dự báo về hoạt động kinh tế trong năm nay và năm tới. Ngân hàng trung ương này dự báo tăng trưởng của Mỹ sẽ bị thu hẹp trong nửa sau năm 2008 và nửa đầu năm 2009, cùng với một số nhận định bi quan khác.

Sự hoang mang trên thị trường chứng khoán còn được tăng thêm sau khi chính phủ công bố hai báo cáo khác nhau về giá tiêu dùng và xây dựng nhà mới, một bằng chứng mới về sự bất ổn của nền kinh tế.

Theo Chỉ số giá tiêu dùng của Bộ Lao động, giá tiêu dùng trong tháng 10 đã giảm với mức lớn nhất trong 61 năm qua, khi giá xăng giảm kỷ lục. Mặc dù giá cả giảm là tốt cho người tiêu dùng nhưng nó cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận của các tập đoàn. Giá giảm cũng tạo ra mối lo ngại về giảm phát.

Trong khi đó, một báo cáo của chính phủ về lĩnh vực xây dựng cho thấy ngành này vẫn đang trong quá trình điều chỉnh mạnh. Bộ Thương mại Mỹ cho biết hoạt động xây dựng nhà mới đã giảm 4,5% tháng trước, mức giảm thấp nhất đã được ghi nhận.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng kinh tế Mỹ đã rơi vào một cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn hai mươi năm qua. Sức ép lạm phát được nới lỏng sẽ tạo cơ hội cho FED tiếp tục giảm lãi suất nhưng điều này có thể không an ủi được các nhà đầu tư.

Lo ngại trước diễn biến tại Mỹ, các thị trường chứng khoán chính ở châu Á mở cửa sáng nay (20/11) cũng đồng loạt giảm điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm hơn 4% còn 7.915,63 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 4,58% còn 12.228 điểm. Chỉ số chứng khoán Singapore giảm 2,64% còn 1.621,64 điểm. Chỉ số Kopsi của Hàn Quốc giảm 4,4%. Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 3,7%.

(Theo AP, Bloomberg, Reuters)

Chứng khoán Mỹ giảm thấp nhất trong hơn 5 năm  (20/11)
   
 
   Online :  2
   Total Online :  1393777