Thứ 3, 8/1/2008 9: 21: 15 A.M

Liên hệ:
Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 10: Đầu tư tiền tỉ, dân vẫn 'khát' nước
Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 10: Đầu tư tiền tỉ, dân vẫn 'khát' nước

Nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư hàng tỉ đồng ở các huyện miền núi Thanh Hóa đang trong tình trạng bỏ hoang, hư hỏng, trong khi hàng trăm hộ dân phải sống trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 10: Đầu tư tiền tỉ, dân vẫn ‘khát’ nước
Một công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Thọ Bình, H.Triệu Sơn bị bỏ hoang - Ảnh: T.L

Thực hiện Chương trình 134, 135 về hỗ trợ nước sinh hoạt cho đồng bào miền núi từ 2005 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư xây dựng gần 400 công trình nước sinh hoạt tập trung. Bên cạnh những công trình căn bản giải quyết được vấn đề nước sạch ở địa phương, giúp bà con yên tâm sản xuất, hiện vẫn còn nhiều công trình nước sinh hoạt ở các huyện miền núi như Triệu Sơn, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Quan Hóa... đang bị bỏ hoang, hư hỏng, xuống cấp, không phát huy được tác dụng, gây lãng phí tiền của nhà nước.

Năm 2008, H.Triệu Sơn được nhà nước đầu tư xây dựng 4 công trình nước sạch tập trung ở các xã Thọ Sơn, Bình Sơn, Thọ Bình, Triệu Thành. Trung bình mỗi công trình được đầu tư 400 triệu đồng, song hầu hết các công trình khi xây dựng xong đều kém hiệu quả, không phát huy được tác dụng, gây bức xúc cho người dân. Điển hình như xã Thọ Sơn được hỗ trợ 400 triệu đồng xây dựng 6 bể nước sạch tại thôn 13 cho hơn 100 hộ dân trong thôn. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, công trình đã bị hư hỏng. Vì vậy, công trình này đã bỏ hoang từ nhiều năm nay.

 

Cứ ngỡ có công trình sẽ giúp bà con có nước sinh hoạt, không mất thời gian và tiền bạc đầu tư vào giếng khoan. Quanh đi quẩn lại, chúng tôi vẫn trong tình trạng khát nước sinh hoạt như trước đây

Ông Lê Văn Lý (trú thôn 15, xã Thọ Bình)

Năm 2009, công trình cấp nước tập trung cũng có vốn đầu tư hơn 400 triệu đồng để cấp nước cho hơn 100 hộ dân tại thôn 15, xã Thọ Bình (H.Triệu Sơn) chỉ hoạt động một thời gian ngắn rồi dừng cho đến nay. Công trình được đầu tư khá quy mô với hệ thống đập đầu mối tích nước, đường ống nhựa và 6 bể chứa tại hộ dân cư. Nhưng chỉ sau hơn 2 năm đưa vào sử dụng, công trình phải “đắp chiếu” bỏ hoang. Bể chứa đầu nguồn trên ngọn đồi bị bao phủ bởi lớp đất đá, dây leo, cỏ dại mọc um tùm; đường ống dẫn nước đến các bể chứa phụ đều hư hỏng nặng.

Dân tự bỏ tiền khoan giếng

Không có nước sạch xài do các công trình cấp nước bị bỏ hoang, nhiều hộ dân hằng ngày phải chắt chiu từng giọt nước, dài cổ ngóng trông trời mưa. Ông Lê Văn Lý (trú thôn 15, xã Thọ Bình) bức xúc: “Cứ ngỡ có công trình sẽ giúp bà con có nước sinh hoạt, không mất thời gian và tiền bạc đầu tư vào giếng khoan. Quanh đi quẩn lại, chúng tôi vẫn trong tình trạng khát nước sinh hoạt như trước đây. Gia đình tôi phải thuê thợ về khoan giếng đến 10 mũi khoan mà chỉ có được một mũi là thành công. Chúng tôi đã ngốn vài chục triệu đồng vào việc thăm dò nguồn nước bấy lâu nay”. Đó là còn chưa kể một số hộ khoan đến hàng chục lần, độ sâu tới hàng chục mét cũng đành “bất lực”, ngậm ngùi đi xin hoặc mua nước về xài.

Trả lời người viết, ông Nguyễn Trọng Cần, Chủ tịch UBND xã Thọ Bình, cho hay công trình cấp nước sinh hoạt bị bỏ hoang chủ yếu là do thiên tai, lũ lụt. Trong năm 2011 và 2012 có nhiều cơn bão lớn gây sói mòn, sạt lở đất nên toàn bộ hệ thống đường ống dẫn nhựa đều bị vỡ hết. Địa phương chưa có kinh phí để đầu tư tu sửa.

Trong khi đó, ông Trần Văn Chính, Phó giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa, cho biết hiện Trung tâm đang tổ chức đánh giá chất lượng và hiệu quả của các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều công trình cấp nước bị bỏ hoang không sử dụng được là do công tác khảo sát, thiết kế và lập dự án chưa phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất và nguồn nước nên chất lượng nước không bảo đảm.

Hỗ trợ đến 70% ngân sách

Theo báo cáo tình hình KT-XH năm 2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2013, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt khoảng 5.166 tỉ đồng, trong khi đó phải chi ngân sách nhà nước tới 21.064 tỉ đồng. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu chi ngân sách của Thanh Hóa, Trung ương phải cân đối hỗ trợ cho tỉnh này 15.898 tỉ đồng (khoảng 70%).

N.M



Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 10: Đầu tư tiền tỉ, dân vẫn 'khát' nước  (16/04)
Thiếu nước sạch ở nơi cung cấp nước sạch  (16/04)
Nước sinh hoạt Hà Nội không lọc hết độc tố  (14/04)
Những dòng sông chết và bài học từ nước Mỹ  (11/04)
Tiền Giang: Giải quyết nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô  (11/04)
Ô nhiễm nước mặt vùng Đông Nam bộ và một số giải pháp cải thiện, bảo vệ nguồn nước  (10/04)
Thoát nước đô thị bền vững  (10/04)
Sớm hình thành thị trường nước sạch nông thôn  (08/04)
TPHCM: Sớm đưa nước sạch về ngoại thành  (08/04)
Bể ống nước  (08/04)
   
 
   Online :  17
   Total Online :  1394107