Lý do là các hộ dân tự khoan giếng để dùng nước ngầm, trong khi nước ngầm được các chuyên gia khuyến cáo là không đạt chuẩn nước sạch, thậm chí mất vệ sinh.
Hàng trăm tỉ đồng đầu tư đường ống, đồng hồ nước…
Chỉ đề cập tại 3 quận - huyện vùng ven của TPHCM gồm: Gò Vấp, quận 12 và Hóc Môn, đã thấy hiện tượng trên là hết sức đáng báo động. Không phải ngẫu nhiên, gần đây, chính ông Hoàng Thế Bảo - GĐ Cty cổ phần cấp nước Trung An (thuộc Tổng Cty Cấp nước Sài Gòn - TNHH MTV), đã buộc phải ra cùng lúc 3 văn bản gửi các UBND quận huyện: Gò Vấp, Hóc Môn và quận 12, đề nghị giúp “đốc thúc” người dân xài nước máy, để Cty Trung An… không bị lỗ vốn.
Theo số liệu thì Cty Trung An đã đầu tư cả ngàn tỉ đồng cho “sự nghiệp” nước sạch, nhằm phục vụ người dân ở 3 quận - huyện trên. Cụ thể: Tại huyện Hóc Môn, từ năm 2013 - 12.2016, Cty Trung An đã thực hiện 85 dự án phát triển mạng cấp nước, với 685.468m ống, với kinh phí là 949 tỉ đồng.
Cty cũng mở rộng đối tượng gắn đồng hồ nước (ĐHN) miễn phí cho người dân; từ năm 2014 - 12.2016, gắn 51.238 ĐHN cho người dân, với kinh phí trên 282 tỉ đồng. Thậm chí, Cty còn tận tình lắp đặt 127 đồng hồ tổng và 136 bồn chứa nước nhằm cung cấp nước cho người dân vùng sâu, vùng xa, nơi chưa lắp đặt được đường ống dẫn nước sạch. Tương tự, tại quận 12, Cty Trung An đã thực hiện 69 dự án, đầu tư trên 670,3 tỉ đồng (từ năm 2013 - 2016) xây dựng 478.355m đường ống cấp nước đến tận nhà dân.
Bên cạnh đó, Cty bỏ ra 302 tỉ đồng lắp đặt 85.210 ĐHN miễn phí, lắp đặt 20 bồn chứa nước và 80 đồng hồ tổng để cung cấp nước cho các hộ dân ở những nơi chưa có đường ống cái… Trên địa bàn quận Gò Vấp - gần như là quận nội thành, Cty Trung An cũng đầu tư 32,3 tỉ đồng cho 8 dự án mạng cấp nước, với 18.688m ống cấp nước, đầu tư 89 tỉ đồng lắp đặt miễn phí 23.245 ĐHN...
Nước sạch tới tận nhà, người dân vẫn… không dùng
Tưởng chuyện đùa (bởi việc dùng nước sạch là ước mơ của hàng triệu người dân), nhưng đó là chuyện có thật và điều lạ lùng, nó diễn ra ngay tại TPHCM. Tại huyện Hóc Môn, để có thể cấp nước sạch cho toàn bộ 86.432 hộ dân, huyện Hóc Môn và Cty cấp nước Trung An đã nỗ lực hết mình, nhưng thật oái oăm, nước máy đã dẫn đến tận nhà dân, mỗi hộ có một ĐHN riêng, các hộ dân vẫn không sử dụng.
Trong tháng 1.2017 vừa qua, tức là tháng cao điểm của Tết Nguyên đán Đinh Dậu, cả huyện Hóc Môn đã gắn 51.238 ĐHN, thì có đến 15.133 ĐHN không sử dụng (tỉ lệ 27,8%) và gần 20.000 ĐHN chỉ tiêu thụ ở mức từ 1-5m3 nước/ĐHN/tháng. Theo Cty Trung An, tính bình quân có 33.114 ĐHN (60,82%) ở huyện Hóc Môn đã không được người dân sử dụng hoặc sử dụng rất ít…
Tình trạng có nước sạch đến tận nhà mà người dân không sử dụng cũng đang phổ biến ở quận 12. Quận này có tới hơn 17.600 hộ dân không sử dụng nước sạch, trong tổng số 38.480 hộ được gắn đồng hồ. Hơn 20.400 hộ khác cũng chỉ sử dụng hết từ 1-4m3 nước/hộ, trong tháng 1 vừa qua. Ngay cả quận Gò Vấp, được xem là quận cận nội thành, nhưng vẫn có tới 20% hộ dân không sử dụng nước sạch…
Trong tháng 1.2017, tại quận Gò Vấp có tới 12.032 ĐHN không sử dụng, số lượng ĐHN tiêu thụ từ 1 - 4m3, chỉ đạt 18.684 ĐHN. Tính bình quân, có tới 30.716 ĐHN đã không được người dân sử dụng hoặc sử dụng rất ít (tỉ lệ 31,46%).
Để đảm bảo đủ nước sạch cung cấp cho người dân, chính quyền TPHCM cũng đang đầu tư xây dựng Nhà máy nước Kênh Đông 2 và Nhà máy nước Thủ Đức 4, để đưa vào sử dụng vào năm 2018, nâng tổng công suất cấp nước của TPHCM lên 2,9 triệu m3/ ngày đêm.
Nước ngầm không đạt tiêu chuẩn cho ăn uống và sinh hoạt
Kết quả phân tích của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM vào tháng 12.2014, cho thấy: “Hơn 97% mẫu nước ngầm, giếng khoan ở huyện Hóc Môn không đạt tiêu chuẩn dùng cho ăn uống và sinh hoạt”. Nước giếng khoan ở huyện Hóc Môn có hàm lượng amoni cao hơn mức cho phép 16,4 lần; độ pH thấp hơn mức cho phép đến 3,75 lần; hàm lượng sắt tổng số cao hơn mức cho phép lên đến 60 lần.
Tương tự, tại quận Gò Vấp, theo kết quả kiểm tra vào tháng 8.2015, thì “100% nước giếng khoan trên địa bàn quận không đạt tiêu chuẩn”. Trong đó, hàm lượng amoni cao hơn 3 lần so với mức cho phép, hàm lượng sắt tổng số cao hơn 4 lần, độ pH thấp hơn 1,53 lần… Còn tại quận 12, Trung tâm Y tế dự phòng TP kết luận “trên 92% nước giếng khoan quận 12 bị ô nhiễm, không đạt chuẩn…”.
Theo bác sĩ Trương Quang Bình - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: “Một khi các tiêu chuẩn trong nước về amoni, sắt tổng số, độ pH… không đạt tiêu chuẩn cho phép, thì nguy cơ dẫn đến bệnh tật, khi người dân sử dụng nước giếng khoan thường xuyên, là hoàn toàn có thể xảy ra. Amoni trong nước ngầm khi gặp oxy trong không khí chuyển hóa thành nitrat và nitrit. Hai chất này khi vào cơ thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tạo nên tình trạng methemoglobin (thiếu oxy trong máu), kết hợp với các axit amin trong cơ thể hình thành chất nitrosamine gây ung thư. Việc sử dụng nước nhiễm vi sinh có thể gây ra các bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số trường hợp có thể gây nên suy thận, nhiễm khuẩn huyết. Còn hàm lượng sắt tổng số cao, sẽ gây biến chất, thay đổi màu sắt, mùi vị thực phẩm, gây khó tiêu, hư hỏng đồ dùng…”.
Cao Hùng (laodong.com.vn)