Trong đó, nước sạch là tiêu chí rất quan trọng. Để từng bước giải quyết bài toán này, những năm qua, bên cạnh chủ trương xã hội hóa, TP Hà Nội đã thí điểm ứng dụng hệ lọc nước Katalox Light (Công nghệ của CHLB Đức). Hiệu quả bước đầu đạt được là rất tích cực. "Nước uống tại vòi" cho dân Nhiều năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Xuân (thôn Thái Hòa, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ) phải sử dụng nguồn nước từ giếng chung của thôn. Dù đã đầu tư gần 3 triệu đồng cho hệ thống lọc, nhưng chất lượng nước không có gì là đảm bảo. Khoảng 1,5 năm trở lại đây, khi trạm cấp nước thôn Thái Hòa được TP hỗ trợ đầu tư lắp đặt hệ lọc Katalox Light, gia đình ông Xuân cũng như hàng trăm hộ dân khác trong thôn Thái Hòa đã được tiếp cận nguồn nước an toàn hơn. Ông Bùi Xuân Sơn - Quản lý trạm cấp nước thôn Thái Hòa cho biết, hơn 1,5 năm qua, chất lượng nước được người dân phản hồi rất tích cực. Nước lọc được Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội lấy mẫu, xét nghiệm hàng tháng. Các chỉ tiêu chất lượng sau nhiều lần kiểm tra đều nằm trong QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Không chỉ người dân thôn Thái Hòa, mà 1.780 hộ dân ba xã: Nam Sơn, Hồng Kỳ và Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) cũng đang được sử dụng nguồn nước từ công nghệ Katalox Light nêu trên. Nhiều người dân nơi đây phấn khởi cho biết, nhờ có hệ thống lọc mà bà con không những được sử dụng nguồn nước đạt tiêu chuẩn “uống ngay tại vòi”, mà còn tiết kiệm đáng kể chi phí cho vận hành thiết bị lọc nước trước đây. Mở rộng diện cấp nước Việc áp dụng hệ lọc Katalox Light đã mang đến nguồn nước bảo đảm an toàn chất lượng cho hàng ngàn hộ dân tại các huyện Chương Mỹ và Sóc Sơn. Qua đó, nâng cao tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch. Đến nay, việc mở rộng số lượng người dân được cấp nước từ hệ lọc nhiều ưu việt trên vẫn đang được triển khai tích cực. Theo thống kê của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP, đến nay, 100% người dân khu vực nông thôn của Hà Nội đã được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 52% hộ dân được tiếp cận nước sạch. Chủ tịch UBND xã Hợp Đồng Trần Đình Trình cho biết, vừa qua, đã có DN về khảo sát hệ thống lọc nước nhằm mục tiêu nhân rộng ra địa bàn các thôn, xóm khác. “Hiện, công suất hệ thống lọc đạt khoảng 100m3/ngày đêm, nhưng nếu nâng công suất lên tối đa thì có thể đáp ứng nhu cầu của hàng trăm hộ khác…” - ông Trình cho hay. Bên cạnh việc kêu gọi sự tham gia của DN theo chủ trương xã hội hóa của TP, xã Hợp Đồng nói riêng, huyện Chương Mỹ nói chung cũng đang tập trung cho công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen sử dụng nước sạch của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN triển khai dự án cấp nước. Đánh giá về hiệu quả của hệ lọc Katalox Light, Phó Giám đốc Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội Tạ Kỳ Hưng làm bài toán so sánh: Vào năm 2003, đơn vị triển khai xây dựng 3 trạm cấp nước sạch cho địa bàn 3 xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ, với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, 3 trạm chỉ đáp ứng được nhu cầu nước sạch cho 780 hộ dân. Trong khi với hệ lọc Katalox Light, tổng mức đầu tư gần 79 tỷ đồng, nhưng số hộ được thụ hưởng lên tới 1.780. Ông Hưng cho biết thêm, đơn vị đang tiếp tục lắp đặt bổ sung hệ lọc cho các trạm cấp nước sạch trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Sau khi hoàn thành trong năm 2018, sẽ giúp tăng số lượng người dân được hưởng lợi. Cùng với chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực cấp nước sạch, việc áp dụng công nghệ lọc nước tiên tiến Katalox Light được xem là lời giải cho bài toán nước sạch, góp phần cải thiện đời sống cho người dân khu vực nông thôn Hà Nội. Qua đó, cụ thể hóa thêm một bước mục tiêu xây dựng nông thôn mới của TP. |