Đảm bảo cấp nước cho dân
Hiện nay, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân tăng gấp nhiều lần so với bình thường, trong khi đó, mạch nước ngầm ở nhiều vùng đã cạn kiệt. Do đó, để khai thác nguồn nước, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt đảm bảo chất lượng cho người dân, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh đã thực hiện nạo vét, khoan thêm giếng, đấu nối thêm đường ống dẫn nước, sửa chữa, mua thêm máy bơm mới...
Từ cuối năm 2019 đến nay, hàng trăm hộ dân ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) đã được sử dụng nước sạch.
Theo Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh, tình trạng cạn kiệt mạch nước ngầm ở các xã ven biển như Bình Hải (Bình Sơn), Tịnh Khê, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi)... diễn ra ngày một nặng hơn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trước thực trạng trên, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh đã kịp thời có giải pháp như sử dụng các giếng sâu và khoan thêm một số giếng ở vị trí xa hơn để khắc phục tình trạng thiếu nước trong thời điểm này.
Tại những vùng không có nước, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh đã thực hiện khoan giếng ở vùng lân cận và đấu nối đường ống kéo nước về phục vụ cho người dân. Riêng những khu vực người dân ở theo cụm mà chưa có công trình nước tập trung như xã Bình Nguyên (Bình Sơn), Trung tâm đã lắp đặt các vòi lấy nước tập trung theo nhóm hộ.
Còn đối với huyện Lý Sơn, thực hiện Đề án 712 của Chính phủ, Trung tâm đã thực hiện mô hình thí điểm cấp nước cho các trường học và trạm y tế. Theo đó, đã lắp đặt thành công và chuẩn bị bàn giao, đưa vào sử dụng 15 hệ thống thiết bị lọc nước lợ, nước mặn thành nước ngọt tinh khiết theo đúng tiêu chuẩn cho các trường học, trạm y tế trên đảo lớn.
Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh Lê Văn Minh cho biết: Các đơn vị đã tăng cường quản lý, tổ chức vận hành có hiệu quả các hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung và các công trình cấp nước khác do Trung tâm quản lý; thường xuyên kiểm tra chất lượng nguồn nước, đảm bảo nguồn nước đạt tiêu chuẩn theo quy định để cung cấp cho nhân dân; thường xuyên kiểm tra các hạng mục công trình và trang thiết bị, máy móc của các hệ thống cấp nước, khi phát hiện có sự cố, hư hỏng, kịp thời khắc phục, sửa chữa ngay, không để tình trạng thất thoát, lãng phí nước...
Tính đến năm 2020, khoảng 95% dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, trong đó có 50% sử dụng nước sạch đạt QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế, đạt 100% so với quy hoạch.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Bằng những nguồn vốn khác nhau, những năm qua, Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh đã triển khai xây dựng mới 3 công trình nước sạch, với tổng kinh phí 23,7 tỷ đồng; thực hiện sửa chữa, nâng cấp 18 công trình, với tổng kinh phí trên 95,5 tỷ đồng. Các công trình thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố quản lý sẽ do địa phương bố trí ngân sách thực hiện sửa chữa, nâng cấp, phục vụ nước sinh hoạt cho người dân vùng nông thôn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai và vận hành công trình nước sạch hiện còn gặp nhiều khó khăn. Thủ tục thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng công trình. Một số nơi người dân không chịu chia sẻ nguồn nước, cản trở việc thi công giếng thu nước, dẫn đến mất nhiều thời gian trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương để vận động người dân, khiến việc xây dựng công trình kéo dài, chậm đưa vào khai thác, sử dụng.
Dự báo nắng nóng vẫn còn kéo dài trong thời gian tới, do đó, bên cạnh các giải pháp cấp nước của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm. Trong trường hợp thiếu nước, đơn vị cung cấp nước sẽ thực hiện cung cấp nước luân phiên, người dân cần phối hợp và chủ động dự trữ nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ hằng ngày trong gia đình.
Bài, ảnh: HỒNG HOA/Báo Quảng Ngãi