Chuyện ngập ở TP.HCM từ lâu đã thành nỗi khổ thường trực của người dân. Ngập từ nội thành và đang có xu hướng chuyển ra ngoại thành, dù từ nhiều năm qua chính quyền thành phố ra sức chống ngập với hàng loạt các dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ở nhiều điểm ngập các cơ quan chức năng cũng đành phải giơ tay đầu hàng. Thế nên người dân chỉ còn cách điểm mặt các tuyến đường trên và tìm cách “né” chúng khi ông trời đổ mưa.
Theo kinh nghiệm của anh Nguyễn Thanh Bình, nhà ở đường Cầu Xéo phường Tân Quí - quận Tân Phú, khi trời mưa, nếu có việc từ nhà ra khu vực ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình) chẳng hạn, anh chọn giải pháp “mua đường” – chấp nhận đi đường khác xa hơn khá nhiều để tránh cung đường Gò Dầu – ngã tư Âu Cơ – Lũy Bán Bích – Ba Vân – Trương Công Định – Trường Chinh về Bảy Hiền, bởi đây là “rốn” ngập của toàn khu vực quận Tân Bình và Tân Phú. Tương tự anh Bình, chị Hoàng Anh Tư, nhà ở đường Đỗ Ngọc Thạnh (quận 5), lâu lắm rồi cứ trời mưa là chị phải “mua đường” hàng cây số để thoát khỏi các điểm ngập trên đường Trang Tử, đường Tân Hòa Đông và đường Dương Tử Giang (quận 5) đường Trần Hưng Đạo, Phạm Đình Hổ (quận 6), đường 3 Tháng 2 (quận 11)… mỗi khi có việc cần ra khỏi nhà hoặc từ cơ quan hay nơi nào khác trở về nhà.
Chị Hòa, một nhân viên văn phòng ở quận 1, cho biết cứ mỗi buổi chiều trời đổ mưa to là chị rất khó tập trung làm việc vì phải lo suy nghĩ tìm “kịch bản vòng vèo” cho con đường đón con và về nhà khi tan sở. Đầu tiên, chị mở các trang mạng để lên kế hoạch di chuyển. Chị kể: “Có khi ở quận 1 mưa to, mà ở đường Nguyễn Văn Quá quận 12 - khu vực nhà chị - lại mưa nhỏ. Muốn biết chỗ nào mưa to chỗ nào mưa nhỏ, chỉ phải lên mạng tìm thông tin rồi mới tính chính xác lộ trình của mình”. Báo mạng thì cập nhật lúc nhanh lúc chậm, chị Hòa thường vào facebook của bạn bè thu nhặt thông tin ban đầu, rồi liên lạc qua điện thoại với bạn bè để hỏi. Xe buýt đôi khi cũng là lựa chọn cho những ngày có thể về nhà muộn của chị. Tuy nhiên, cũng có lúc xe buýt bị kẹt đường do ngập nước. “Khi đó, về đến nhà khá trễ. Nhưng chậm một chút không sao, miễn là an toàn”, chị Hòa nói.
Trả lời trên các phương tiện truyền thông, ông Đỗ Tấn Long, trưởng phòng thoát nước trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập TP.HCM (TTCN) , cho rằng khu Bàu Cát bị ngập từ khi dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hoá – Lò Gốm triển khai làm xuất hiện nhiều điểm nghẽn. Theo ông Long, việc khi nào khu vực này hết ngập nước lệ thuộc vào tiến độ của dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hoá – Lò Gốm. Riêng các điểm ngập ở khu vực quận 5,6,7 thì ít nhất đến giữa năm 2014 mới có khả năng khắc phục. Ông Long cho hay các dự án chống ngập trên các tuyến đường trên đang được rốt ráo triển khai.
Không chỉ có những tuyến đường bị ngập với lý do ảnh hưởng dự án này nọ như đã nêu trên, ở TP.HCM thời gian gần đây còn xuất hiện các điểm ngập ngay trên những tuyến đường đã hoàn thiện các dự án chống ngập hoặc trên những tuyến đường mà người đại diện các cơ quan chức năng từng tuyên bố hết ngập như đường Lê Đức Thọ, Quang Trung (Gò Vấp), đường Phan Văn Hớn, quốc lộ 1A (đoạn đi qua quận 12), đường Trương Vĩnh Ký (quận Tân Phú)…
Xem ra việc người dân phải tốn công, tốn sức “tìm đường thoát ngập” bằng cách “cập nhật thông tin và lập bản đồ ngập… cá nhân” như chị Vân, anh Bình, chị Hòa đã làm sẽ còn kéo dài…
Minh Quân (NĐT)