|
Các em học sinh bì bõm dưới nước. Ảnh: Sơn Hải |
Sáng nay, nước sông Sài Gòn và các kênh rạch chính như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Nghé - Tàu Hũ,... dâng cao, khiến việc thoát nước từ hệ thống cống, đường phố ra sông, kênh rạch hầu như không thể. Chính điều này góp phần khiến các khu vực, tuyến đường tại TPHCM chìm trong biển nước.
|
Xe máy phải nhờ sự hỗ trợ của phương tiện khác để qua đoạn ngập. Ảnh: Đăng Biên |
Riêng tại đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, nước ngập đến hơn 1,2m, đoạn từ chợ Tam Bình đến cầu Gò Dưa, người đi đường phải dắt bộ vì xe chết máy. Đoạn đường từ Bến xe Miền Đông về đến ngã tư Hàng Xanh cũng bị ngập nặng và giao thông bị ùn ứ nghiêm trọng
|
Nhiều xe gắn máy bị chết máy chờ bên đường. Ảnh: Đăng Biên |
Chị Nguyễn Thị Liên, một người dân sống ở đây, cho biết: “Tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng thì đã thấy nước ngập ngụa trên đường. Ở đây cứ mưa đến là ngập chứ không riêng gì hôm nay”.
Lực lượng CSGT đã có mặt lúc 6 giờ sáng để hỗ trợ người dân, cho phương tiện chạy theo hướng khác để tránh ùn tắc.
|
CSGT lội nước điều khiển giao thông cùng với người dân đẩy các phương tiện ô tô bị chết máy ra khỏi dòng nước. Ảnh: Sơn Hải |
* Nhiều cửa ngõ ra vào thành phố như Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), Phú Thọ, Tân Hoà Đông, Đặng Nguyên Cẩn, Hoà Bình (quận 11), Luỹ Bán Bích, Lương Thế Vinh, Kênh 19-5 (quận Tân Phú), Nguyễn Hữu Cảnh, Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh),... bị ngập nặng gần 1m khiến nhiều phương tiện giao thông chết máy hàng loạt và gây kẹt xe nghiêm trọng.
|
Đường Tân Hoá bị ngập nặng. Ảnh: Sơn Hải |
Tuyến đường Kinh Dương Vương dẫn vào trung tâm thành phố bị ngập sâu kéo dài cho đến vòng xoay Phú Lâm (quận 6) và do quốc lộ 1A (đoạn quan siêu thị Big C ngập sâu hơn 1m), đại lộ Đông Tây (đoạn Hồ Ngọc Lãm) cũng ngập nặng nên nhiều người chuyển hướng đi vào đường Kinh Dương Vương. Vừa qua trạm thu phí cũ, nước ngập sâu gần 1m khiến hàng trăm phương tiện giao thông chết máy nối đuôi kéo dài cho đến vòng xoay Phú Lâm. Nhiều xe du lịch, xe tải, xe khách,... chết máy nằm giữa đường khiến các phương tiện giao thông phía sau không thể đi được làm kẹt cứng kéo dài cho đến vòng xoay An Lạc.
|
Các phương tiện nối đuôi nhau từ vòng xoay Phú Lâm cho đến cầu Ông Buông. Ảnh: Sơn Hải |
Tại các vòng xoay Mũi Tàu, Phú Lâm, nhiều ô tô, xe máy đậu ngay giữa bùng binh để chờ xe cứu hộ đến kéo về sửa chữa gây ùn ứ. Do tuyến đường Đặng Nguyên Cẩn, Phú Thọ, Tân Hoà Đông, Tân Hoá (quận 11) bị ngập nặng, khiến nhiều xe chết máy dồn về vòng xoay Phú Lâm làm giao thông hỗn loạn. Các thợ sửa xe ra lau chùi bu-gi với giá từ 10.000 – 30.000 đồng/xe.
|
Hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau trên đường Kinh Dương Vương. Ảnh: Sơn Hải |
Các tuyến đường Hoà Bình, Tân Hoá, Luỹ Bán Bích bị ngập nặng nhưng cũng không gây ùn ứ. Do nhiều phương tiện nhỏ đã đi vào hẻm, đường nhỏ như Khuông Việt, Trịnh Đình Thảo,... để ra đường Lạc Long Quân, Lẵng Bỉnh Thăng...
Đến 10 giờ cùng ngày, nhiều người vẫn chưa thể đến cơ quan, công ty làm việc. Anh Nguyễn Xuân Hoà (nhà ở quận Bình Tân) cho biết, tôi đi làm ở quận 1 nên đi từ sớm nhưng phải mất hơn 2 tiếng mới qua được đường Kinh Dương Vương.
|
Đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập nặng và kẹt xe nghiêm trọng. Ảnh: Sơn Hải |
Tham gia khắc phục hậu quả do ngập nặng, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh niên xung phong, dân quân tự vệ,... đã tham gia điều tiết giao thông trên đường Kinh Dương Vương và đẩy các phương tiện chết máy vượt qua khỏi dòng nước. Nhân viên Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM cũng có mặt mang nhiều máy bơm nước thoát qua chỗ khác để giảm tình trạng ngập nặng trên đường.
Đăng Biên-Sơn Hải
(Theo Sài Gòn Giải phóng) |