“Qua những lần bị vỡ ống chỉ cần để ý một chút có thể thấy qua mỗi trận mưa bắt đầu nắng lên lập tức là vỡ. Bây giờ hỏng đâu sửa đấy thôi” – Ông Nguyễn Sỹ Trung, Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng-Hòa Lạc nay là đường đại lộ Thăng Long thuộc viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải cho biết.
Sau mưa là ống vỡ
Đầu tư tới hơn 1.500 tỷ đồng, sau khi được đóng mác “vàng” chất lượng xây dựng Việt Nam (năm 2010) đến đầu năm 2012 đến nay, đường ống dẫn qua Đại lộ Thăng Long liên tiếp bị vỡ. Mỗi lần đường ống gặp sự cố hàng trăm nghìn người khốn đốn vì thiếu nước.
Nhưng sau 5 lần xảy ra sự cố chủ đầu tư là Tổng công ty cổ phần Vinaconex vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, chỉ biết chạy theo “chữa cháy” “vỡ đâu vá đấy” mỗi khi đường ống bị vỡ. Trong sự cố lần này, Bộ Xây dựng đã vào cuộc và dư luận đang chờ một kết luận chính xác về nguyên nhân chứ không chỉ chung chung tại cái đất nền yếu như chủ đầu tư đã đưa ra.
|
Công nhân khắc phục sự cố vỡ đường ống nước. |
Là Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng-Hòa Lạc nay là đường đại lộ Thăng Long chạy song song với đường ống nước của Vinaconex, ông Nguyễn Sỹ Trung cũng hiểu rõ địa chất khu vực này. Bàn về nguyên nhân từ nền đất yếu mà chủ đầu tư Vinaconex đưa ra, ông Trung cho biết: “Lần này đường ống vỡ gần cầu chui dân sinh số 14. Chỗ đó chúng tôi cũng đã phải xử lý đất yếu khi làm đường Láng – Hòa Lạc. Vị trí này nằm trên nền sông tích. Chủ đầu tư đưa ra nguyên nhân nền đất yếu là rõ ràng rồi. Nhưng vấn đề là đất yếu mà không xử lý. Chỉ san gạt sau đó đặt 50 phân cát tạo mặt bằng đặt ống. Trong khi đó ống lại là ống không chịu được lực biến dạng”.
Ông Trung phân tích thêm: “Cấu tạo của ống có giới hạn không phải chỗ nào cũng có thể đặt được. Đã có 6 lần xảy ra sự cố vỡ ống nhưng chủ đầu tư xử lý kịp thời nên không gây ra tình trạng mất nước như 5 lần vừa qua. Các vị trí vỡ ống đều thuộc vị trí đất yếu mà đường Láng – Hòa Lạc phải xử lý nên tôi hiểu khá rõ. Lấy ví dụ từ những lần vỡ gần nhất như lần thứ 4 là đặt trên nền đất suối cải tạo còn lần này là trên nền sông tích. Điều này tôi đã cảnh báo ngay từ đầu rồi. Đó là cái sai của người thiết kế, sai trong tầm nhìn của người chủ đầu tư”.
Từ những sự cố vỡ đường ống vừa qua, ông Trung cũng đưa ra một “quy luật bất thành văn”: “Qua những lần bị vỡ ống chỉ cần để ý một chút có thể thấy qua mỗi trận mưa bắt đầu nắng lên lập tức là vỡ. Điều này có thể hiểu đất yếu khi gặp nước sẽ trương lên. Khi nắng lên lại co lại. Điều đó sẽ tạo ra một lỗ rỗng. Tải trọng ép xuống tạo ra độ vênh, ống không chịu được biến dạng thì sẽ vỡ thôi. Cả tuyến ống như một con trăn khổng lồ hoạt động liên tục. Khi chuyển mình mà các khớp nối không chắc chắn thì khớp nối sẽ bị bật ra”.
“Như tôi đã nói ngay từ những lần vỡ đầu tiên đường ống sẽ còn vỡ tiếp. Và bây giờ thì chỉ là hỏng đâu sửa đấy thôi”.
Tần suất vỡ sẽ ngày càng dày thêm
Trong quá trình khảo sát thi công tuyến đường Láng – Hòa Lạc, ông Trung và cộng sự đã ghi nhận có 29 đoạn với tổng chiều dài 5,4km có đất yếu. Đây là những đoạn cần phải có biện pháp xử lý đặc biệt.
“Cường độ và tần suất vỡ sẽ ngày càng dày thêm, gần lại. Điều này hiện nay chúng ta chúng đã có thể thấy rồi. Tính từ tháng 11 đến nay ống đã vỡ tới 3 lần. Đặc biệt hay xảy ra vào mùa mưa nên người dân giờ cũng phải xác định “sống chung với lũ”.
“Theo tôi Bộ Xây dựng có thể nghiên cứu làm đường ống lấy nước sông Đuống. Nếu lấy nước từ sông Đuống thì phải làm hệ thống lắng đọng phù sa nhiều hơn nhưng gần hơn chỉ hơn 20km. Bộ Xây dựng cũng nên chủ trì một cuộc họp về vấn đề này. Còn như tôi vẫn nói người dân phải chấp nhận sống chung với vỡ ống – sống chung với mất nước”.
Trong khi đó, trao đổi với PV Vland trong cuộc kiểm tra tại hiện trường sự cố vỡ ống ngày 3/4, ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình thuộc Bộ Xây dựng đã khẳng định: “Bất kể vấn đề gì xảy ra liên quan đến các sự cố cần phải làm rõ nguyên nhân để phân định trách nhiệm. Theo tôi đó là việc cần phải làm. Liên quan đến trách nhiệm của các bên trong vấn đề này cần phải làm rõ nguyên nhân sự cố. Từ đó mới phân định được trách nhiệm của các chủ thể có liên quan”.
Khi làm đường cao tốc Láng – Hòa Lạc đơn vị thi công xử lý đất yếu tại 48 vị trí. Sẽ là phiến diện nếu cho rằng sẽ vỡ tại 48 điểm ấy nhưng cũng không ai có thể khẳng định đảm bảo an toàn cho 48 vị trí trên. Mang sứ mệnh giải tỏa “cơn khát” cho thủ đô, chủ đầu tư Vinaconex sẽ làm gì để công trình “vàng” hoàn thành sứ mệnh?
Hồng Khanh |