(Petrotimes) - Hàng ngàn hộ dân ở các quận vùng ven và các huyện ngoại thành TP HCM hiện vẫn chưa tiếp cận được nguồn nước sạch mà chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm từ các giếng khoan, nước mưa... cho sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, do tác động của quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, chất lượng nước từ các giếng khoan đang bị báo động bởi tình trạng ô nhiễm.
Nước ngầm bị ô nhiễm
Hiện nay, ngoài các khu vực đã đạt tỷ lệ 100% hộ dân đô thị được cấp nước sạch gồm: quận 1, quận 4, quận 5, quận 6, quận 10 và quận 11, trên địa bàn TP HCM vẫn còn những khu dân cư chưa được cấp nước sạch. Đặc biệt, môt số quận, huyện như: Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh, quận 12 chỉ khoảng 10% hộ dân được cấp nước sạch. Đây là những khu vực mà hệ thống cấp nước của thành phố chưa đến được hoặc thuộc các khu vực quy hoạch chờ giải tỏa hay tại các hẻm nhỏ vướng hệ thống thoát nước không có đủ điều kiện để lắp đặt đường ống cấp nước… Ở những khu vực này, người dân chủ yếu sử dụng nước qua giếng khoan, giếng đào. Tuy nhiên, nguồn nước này ở một số quận, huyện đang bị ô nhiễm nặng.
Theo TS. Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên Nước và Khoáng sản Sở Tài nguyên – Môi Trường TP HCM, tầng nước người dân đang khai thác là tầng gần mặt đất nhất, độ sâu khoảng 50m trở lại, khi đô thị hóa chưa phát triển, nguồn nước ngầm bị tác động ít thì chất lượng nước khá tốt nhưng hiện nay chất lượng nguồn nước ngầm ngày càng xấu đi. Nguyên nhân do giếng khoan của người dân đặt không đúng chỗ, thường gần những khu vực dễ bị thấm nước bẩn, vị trí giếng không được bảo vệ, hệ thống thoát nước không được liên hoàn... dẫn đến nước bẩn xâm nhập vào nguồn nước ngầm.
Một số nơi, độ nhiễm phèn của nước giếng khoan rất cao chưa nói đến độ PH, kẽm, chì, nitơ và các chất ô nhiễm hữu cơ khác. Cụ thể như quận 12, trước đây dân cư thưa thớt, chủ yếu trồng rau nhưng hiện nay dày đặc người sinh sống, cứ mỗi nhà một giếng khoan, vị trí giếng và nhà vệ sinh sát nhau thì dù giếng khoan sâu 30 – 40m vẫn bị thấm nước bẩn.
Bằng cảm quan, chính người dân cũng nhận thấy chất lượng nước ngầm đang giảm sút nghiêm trọng nên rất nhiều hộ gia đình chỉ dám sử dụng để tắm giặt còn trong ăn uống phải mua nước sạch về dùng. Ông Nguyễn Văn Phi, ngụ xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh cho biết: Vì không có nước máy nên người dân trong xã phải khoan giếng để lấy nước sử dụng. Trước đây khoan nông nhưng sau thời gian sử dụng thấy nước bị hôi, bốc mùi tanh nên tiếp tục khoan sâu hơn đến 100m nước vẫn bị nhiễm phèn.
Mặc dù đã xử lý nhưng tắm vẫn bị ngứa, dùng giặt quần áo thì bị ố vàng. Chính vì chưa có nước sạch để dùng nên các hộ dân phải mua nước sạch về sử dụng. Giá nước sạch theo quy định tối đa là 6.000 đồng/m3 nhưng một số nơi người dân phải mua nước sạch với giá 10.000 đồng/m3, thậm chí 60.000 – 80.000 đồng/m3.
TS. Nguyễn Văn Ngà nhận định, đây là vấn đề rất nghiêm trọng vì sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn là nguy cơ phát sinh bệnh tật, đặc biệt là bệnh ung thư. Nguy cơ này không nhìn thấy được ngay mà 5 – 10 năm sau mới thể hiện. Do đó, người dân khoan giếng xong chỉ thử bằng những cách dân gian sau đó sử dụng là chưa đủ, cần lấy mẫu nước đi phân tích xem trong nước có những hóa chất gì để loại bỏ và thận trọng trong sử dụng.
Thiếu nước sạch không những gây ảnh hưởng cuộc sống của người dân mà việc này còn dẫn đến tình trạng người dân khai thác nguồn nước ngầm một cách tự phát, không theo quy hoạch, làm chất lượng nguồn nước ngầm bị thay đổi, tăng mức độ ô nhiễm. Bên cạnh đó, khai thác không hợp lý còn làm mực nước ngầm suy giảm nhanh dẫn đến tình trạng lún sụt, biến dạng các công trình và có thể dẫn đến xâm mặn vào các nguồn nước mặt của thành phố.
Theo quy hoạch sử dụng nước của TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2025 thì lượng nước ngầm khai thác chỉ 100.000m3/ngày nhưng hiện nay lượng khai thác lên đến 613.000 m3/ngày. Do đó, TP HCM đang có kế hoạch hạn chế khai thác nguồn nước ngầm, phấn đấu đến hết năm 2015, lượng nước ngầm khai thác giảm còn 440.000m3/ngày và đến cuối năm 2025 đảm bảo đạt được theo quy hoạch.
Đảm bảo cấp nước sạch cho dân
Trước tình hình trên, HĐND TP HCM đã ra Nghị quyết số 38/2013/NQ-HĐND, về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2014, trong đó có chỉ thị đến cuối năm 2014 phải đảm bảo 100% người dân thành phố có nước sạch sử dụng, đồng thời ngăn chặn việc khai thác nước ngầm bất hợp lý. Tuy nhiên, theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) để thực hiện được việc này là điều rất khó khăn bởi cần đầu tư khối lượng mạng lưới cấp nước khá lớn đặc biệt tại các khu vực ngoại thành nên nguồn vốn đầu tư hiện nay của Tổng công ty không đủ để đáp ứng cùng một lúc.
Ông Tô Trung Dũng, Trưởng phòng Hành chánh Quản trị Sawaco cho biết: HĐND thành phố giao cho Sawaco 2 chỉ tiêu trong năm 2014 là đảm bảo 100% hộ dân đô thị được cấp nước sạch và 100% hộ dân nông thôn trên địa bàn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Xác định đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn nên ngay từ đầu năm 2014, Tổng công ty đã làm việc với UBND các quận, huyện có khó khăn về nước sạch như: quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn để cùng bàn các giải pháp thực hiện nhiệm vụ này.
Hiện, Sawaco đã xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển mạng lưới đường ống cấp nước theo từng giai đoạn để liên hệ và làm việc với các ngân hàng trong nước và nước ngoài tìm nguồn vốn vay cho công tác phát triển mạng lưới cấp nước.
Người dân ngoại thành phải đi mua nước sạch
Theo đó, Sawaco đã xây dựng kế hoạch đầu tư năm 2014, với việc hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy nước Thủ Đức 3, công suất 300.000 m3/ngày, dự kiến hoàn thành cuối năm 2014, nâng tổng công suất cấp nước thành phố lên 1.950.000 m3/ngày; xây mới và nâng cấp mở rộng 12 trạm cấp nước thuộc Trung tâm nước Sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn để đưa nước sạch về nông thôn.
Hiện nay, Sawaco cũng đang phối hợp với UBND các quận, huyện rà soát tình hình cung cấp nước tại địa phương để có kế hoạch cấp nước cụ thể. Đối với các tuyến đường chính, các khu vực dân cư tập trung sẽ phủ kín mạng lưới cấp nước. Đối với các khu vực dân cư rải rác, các khu vực vùng sâu, các khu dân cư thuộc khu quy hoạch chưa giải tỏa không đủ điều kiện lắp đặt đường ống cấp nước sẽ thực hiện cấp nước qua đồng hồ tổng, đặt bồn chứa và cấp nước bằng xe bồn; tăng cường thực hiện các giải pháp cấp nước hợp vệ sinh tại khu vực nông thôn.
TS. Nguyễn Văn Ngà cho rằng: Trong khi chờ nguồn nước sạch tới được nhà dân thì cần có chính sách hỗ trợ, phổ biến cách xử lý nước cho những hộ dân có giếng, đang dùng nước giếng để người dân vẫn được dùng nước sạch. Nếu không có điều kiện để xử lý hết thì chỉ cần xử lý nước ăn uống. Về việc quản lý nguồn nước ngầm thì thành phố chủ trương không cấm người dân khai thác nguồn nước ngầm nhưng tuyên truyền cho người dân hiểu việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm không hợp lý sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và chất lượng nguồn nước ngầm của thành phố.
Mai Phương