Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cho biết đây là một trong những dự án trọng điểm của thành phố nhằm cải tạo môi trường sống cho hàng triệu người dân trong lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm.
|
Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa đánh giá dự án không chỉ là một điển hình xuất sắc cấp quốc tế về công tác nâng cấp đô thị mà còn được thực hiện trong một thời gian ngắn kỷ lục. Ảnh: Hữu Công. |
"Xin chân thành cám ơn Ngân hàng thế giới đã tài trợ cho dự án cũng như cám ơn sự hợp tác của các hộ dân bị ảnh hưởng để dự án sớm hoàn thành", người đứng đầu chính quyền thành phố nói và yêu cầu Ban quản lý dự án Nâng cấp đô thị sớm hoàn thành các hạng mục còn lại để dự án phát huy hết hiệu quả. UBND các quận 6, 8, 11, Tân Bình, Tân Phú... được đề nghị tiếp tục vận động, tuyên truyền nhân dân chung tay góp sức giữ gìn tuyến kênh, tuyến đường xanh, sạch, đẹp.
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - cho biết, Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm không chỉ là một điển hình xuất sắc cấp quốc tế về công tác nâng cấp đô thị mà còn được thực hiện trong một thời gian ngắn kỷ lục - chỉ bằng một phần ba thời gian thi công dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo TP HCM cùng Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa cắt băng khánh thành công trình. Ảnh: Hữu Công. |
"Tiểu dự án nâng cấp đô thị TP HCM đã mang lại lợi ích đến hơn 1,3 triệu người thông qua việc cải thiện điều kiện môi trường và đời sống; giảm tình trạng ngập lụt và đồng thời trở thành tài sản quý báu phục vụ cho tất cả người dân thành phố", bà Victoria Kwakwa đánh giá.
Theo Ban quản lý dự án Nâng cấp đô thị (chủ đầu tư), Kênh Tân Hóa - Lò Gốm với tổng chiều dài gần 9 km (chảy qua 4 quận Tân Bình, Tân Phú, 11 và 6) là một phần mạng lưới đường thủy và kênh thoát nước trong hệ thống kênh rạch của thành phố. Nó có chức năng lưu chuyển nước mưa và nước thải kết nối với kênh Tàu Hủ - Bến Nghé hòa vào dòng chảy sông Sài Gòn và đổ về miền Tây.
Do kênh có vị trí nông - sâu khác nhau và có các nút thắt dòng chảy dày đặc làm thu hẹp diện tích bề mặt chứa nước, gây ngập úng khi có mưa lớn, triều cường lên cao. Bên cạnh đó, dọc theo kênh có hơn 470.000 người và 15.000 doanh nghiệp, cơ sở gia công xả nước ra kênh do chưa có hệ thống thu gom ống dẫn. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước vì thế trầm trọng do chứa một lượng lớn chất thải rắn, thải công nghiệp.
|
Hàng triệu người dân được cho sẽ hưởng lợi từ dự án. Ảnh: Duy Trần. |
Công trình cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm (khởi công từ tháng 12/2011) là một trong những dự án thành phần thuộc tiểu dự án nâng cấp đô thị TP HCM có tổng mức đầu tư gần 167 triệu USD (hơn 3.400 tỷ đồng), chưa kể hơn 1.700 tỷ đồng chi phí bồi thường, giải tỏa, tái định cư cho các hộ dân (1.547 hộ) và tổ chức.
Trong quá trình thực hiện, toàn bộ các hạng mục của công trình sử dụng tổng cộng gần 10.000 tấn thép, hơn 750.000 m3 đất đào đắp và hơn 127.000 m3 bêtông. Chỉ riêng giai đoạn thi công đã có 332 cán bộ quản lý và kỹ sư tham gia điều hành, gần 1.000 công nhân làm việc trong khoảng 3 năm để công trình sớm đưa vào khai thác.
Hiện, dự án xây dựng được 2.501 m cống hộp; hơn 7.800 m bờ kè hai bên kênh; 11,5 km đường dọc kênh, 12 cây cầu; hệ thống cống bao, giếng tách dòng nước thải sinh hoạt và nước thải do mưa; hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng...
* Video: Cuộc sống đổi thay bên dòng kênh thối Sài Gòn
Hữu Công |