Hơn một tháng nay, cuộc sống của nhiều người dân ở thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) đảo lộn khi nước sinh hoạt bị cắt luân phiên. “Ban đầu thời gian cắt nước ngắn, nhưng nay thì 5-7 ngày mới có nước một lần. Mỗi lần chỉ kéo dài khoảng một tiếng, có khi lâu được một ngày đêm”, anh Đặng Văn Hòe nói.
Thiếu nước dẫn đến chuyện ăn uống, sinh hoạt của mọi nhà thay đổi. Thường ngày, anh Hòe phải dậy sớm hơn, chạy xe máy mang theo hai can nhựa loại 30 lít sang nhà người thân cách đó hơn một km xin nước về dùng trong ngày. “Mỗi ngày đi chục chuyến thế này, sáng dậy muộn thì chiều phải tất bật chở nước. Nói chung hết nước khi nào là đi xin khi đó”, anh Hòe than thở.
|
Nhiều người dân dùng nước giếng để ăn uống, sinh hoạt. Ảnh: Hoàng Táo |
“Người dân phải thức đêm để canh giờ, tận dụng tất cả xô chậu trong nhà để đựng nước. Một khối nước dùng cho ăn uống được một tuần lễ. Còn tắm giặt thì phải đi xin, chở về từ những nhà có giếng đào, giếng khoan, việc dùng nước hết sức dè xẻn”, anh Trần Xuân Thọ nói.
Với những người làm việc giờ hành chính như vợ chồng bà Nguyễn Thị Hạnh, không có thời gian đi xin nước phải chấp nhận mua bên ngoài với giá lên đến 150-180 nghìn đồng/m3. “Khát khô cổ thì phải cắn răng mua nước đến 180 nghìn đồng/m3. Họ chở đến tận nhà, bơm vào bể cho mình. Chừng ấy nước dùng tiết kiệm được 4-5 ngày. Nóng ruột vô cùng mà không có giải pháp gì hơn”, bà Hạnh kể.
Một cơ sở sản xuất đá lạnh cho biết ngày nào cũng phải mua một khối nước. “Nước máy cắt cả tuần không đủ sản xuất nên phải mua nước giếng, vừa tăng chi phí vừa lo nhà nước kiểm tra, phạt vì không đúng tiêu chuẩn. Nhưng cả thị trấn này đang phải uống nước giếng chứ không riêng gì chúng tôi”, chủ cơ sở nói.
Nhiều gia đình lỡ khởi công xây nhà vào thời điểm thiếu nước gặp cảnh cơ cực gấp bội. “Tôi thuê hẳn chiếc xe ben, dùng bạt lót trong thùng xe ra suối bơm. Chỉ tiền nước xây nhà trong tháng qua cũng ngót ngét chục triệu đồng”, anh Lê Viết Hùng chỉ tay vào ngôi nhà đang hoàn thiện, bộc bạch.
Từ thời điểm thị trấn vùng biên này thiếu nước sinh hoạt, một số người nhanh nhạy hình thành nghề chở nước phục vụ nhu cầu của người dân. Hơn tháng qua, việc đầu tiên mỗi buổi sáng của anh Lê Đức Thắng là kiểm tra mực nước bên trong giếng đào ngay trước nhà. Chiếc xe tải nhỏ chở hàng được anh Thắng đầu tư thêm một bồn nước để bán cho người dân.
“Người dân họ rất cần nước. Mỗi ngày tôi chở bán khoảng 7-10 xe, với giá 150 nghìn đồng/m3. Nhiều ngày chạy vất vả quá, tôi phải tắt điện thoại, xe phải đậu trong hẻm vắng để người dân khỏi gọi”, anh Thắng nói. Có ngày cao điểm, giếng nước nhà anh Thắng cạn khô phải qua xin nước từ nhà anh em ruột ở cạnh.
Không như anh Thắng, anh Đinh Dũng lấy nước giếng từ một điểm rửa xe trên địa bàn. “Giá lấy nước giếng là 30 nghìn đồng/m3, chở phục vụ bà con, tùy xa gần mà tôi lấy 150-180 nghìn đồng, nhà nào xa quá có khi lên đến 200 nghìn đồng”, anh Dũng cho hay.
|
Một bồn nước giếng được bán cho dân với giá 150-180 nghìn đồng. Ảnh: Hoàng Táo |
Hiện, thị trấn Khe Sanh có khoảng 10 người làm nghề chở nước, phần lớn làm nghề vận tải dịch vụ. Đúng thời điểm hạn hán, những người này sử dụng bồn nước cũ của gia đình, hoặc mua mới đặt lên xe tải chạy khắp thị trấn. Nước dùng để xây dựng lấy từ sông suối có giá mềm hơn so với nước sinh hoạt được mua từ giếng đào, giếng khoan.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Khe Sanh cho hay, do nắng hạn bất thường nên nguồn nước cấp cho nhà máy cạn kiệt. “Chúng tôi hiện chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu, mỗi ngày chạy máy khoảng 8-10 tiếng cách quãng, còn lại phải chờ nước dâng mới tiếp tục bơm”, ông Thiện nói.
Nhà máy có công suất thiết kế 4.000 m3/ngày đêm, nhưng hiện chỉ cung ứng 700-800 m3/ngày đêm đã khiến 3.450 hộ dân của 4 xã và thị trấn Khe Sanh, dùng nguồn nước này lao đao vì thiếu nước.
“Lịch cấp hoàn toàn phụ thuộc vào nước đầu nguồn. Mỗi khi có nước, nhà máy đều cắt cử nhân viên đi thông báo để dân tích trữ. Điều chúng tôi lo lắng là nguồn nước kiệt dần, trong vài tuần tới đối mặt với nguy cơ không còn nước để chạy máy”, ông Thiện lo lắng.
Trước tình cảnh người dân phải mua nước với giá cao, ông Thiện bày tỏ sự nóng ruột nhưng bất lực. “Đến thời điểm căng quá, chúng tôi sẽ dùng xe bồn chở nước từ huyện Đăkrông lên cấp phát cho dân, mỗi nhà vài chục lít giải tỏa cơn khát”, ông Thiện cho biết kế hoạch cấp nước khi nhà máy không thể hoạt động.
Chung tâm trạng với ông Thiện, nhiều người dân lo lắng với cái nắng 38-39 độ C, nguồn nước ở các giếng khơi cũng nhanh chóng bị vơi. Trong khi đó, nắng nóng, khô hạn dự báo đến tháng 9 mới chấm dứt.
Hoàng Tá
o