Rác, nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt không qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường đang làm cho nhiều con kênh, rạch tại huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh bị ô nhiễm nặng. Là nơi cuối nguồn của nhiều con kênh, rạch, vấn đề ô nhiễm môi trường ở Bình Chánh đang trở nên khó quản lý đối với chính quyền địa phương.
Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh là 2 xã đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Nhiều con rạch hở trước đây đã bị lấp. Tại xã Vĩnh Lộc A có 21 cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường, hơn 300 hộ chăn nuôi gây ô nhiễm, còn xuất hiện nhiều bãi rác tự phát. Xã Vĩnh Lộc B còn 12 cơ sở ô nhiễm môi trường, 53 hộ chăn nuôi nằm xen trong khu dân cư. Do địa bàn xã dân cư đông (mỗi xã có hơn 100.000 dân), công tác quản lý của chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn.
Ông Huỳnh Văn Mười, người dân ấp 6A, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh nói: “Tôi thấy môi trường ở đây không trong lành. Tôi nghĩ là do ý thức của mọi người chưa tối. Họ xả rác bừa bãi, tùm lum. Nhiều người còn quăng rác xuống sông nữa”.
Ông Võ Trường Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh cho biết: các tuyến, kênh rạch của xã “hứng” nước thải từ Khu công nghiệp Vĩnh Lộc và các xã lân cận, trong đó có xã Vĩnh Lộc A.
Việc quản lý về môi trường tại xã Vĩnh Lộc B được phân công nhiệm vụ rất rõ ràng đối với từng cán bộ, đoàn thể cho đến các trưởng, phó ấp. Thậm chí, cán bộ các ấp của xã này còn thường xuyên cập nhật các cơ sở sản xuất mới phát sinh để báo cáo lãnh đạo xã. Tuy nhiên, việc xác định mức độ ô nhiễm và xử phát thì lãnh đạo xã phải báo cáo lên huyện để xử lý.
Ông Võ Trường Thành nói: “Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Lộc B sẽ rà soát lại những cơ sở sản xuất cặp 2 bên rạch Cầu Suối để kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh lại việc xả thải, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã. Các chợ tự phát trên địa bàn của xã thì Ủy ban nhân dân cũng đã có kế hoạch để chấn chỉnh”.
Không chỉ ở 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, mà hầu hết những kênh, rạch ở huyện Bình Chánh đều đang trong tình trạng ô nhiễm nặng. Trong đó, nghiêm trọng nhất là các xã Tân Nhựt, Bình Lợi, Lê Minh Xuân. Khi nước cạn, các kênh An Hạ, kênh B, kênh C, sông Cần Giuộc trên địa bàn huyện Bình Chánh đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Ngoài lượng rác thải sinh hoạt chủ yếu do người dân sống hai bên bờ rạch thải xuống, còn có rất nhiều rác thải từ các cơ sở sản xuất nhỏ lén lút đổ xuống những con rạch này.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh cho biết, để công tác bảo vệ môi trường của huyện đạt kết quả cao trong thời gian tới, huyện cần sự giúp đỡ của ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, các sở, ngành của thành phố cần xử lý nước thải từ đầu nguồn các con kênh. Nếu nước bẩn từ đầu nguồn, nhất là các khu công nghiệp Tân Tạo, Lê Minh Xuân, Đức Hòa 1 và nhiều cụm công nghiệp khác cứ đổ về, thì Bình Chánh không thể kiểm soát được.
Ông Phụng cho biết: “Ở các con kênh, rạch, các dòng sông ở Bình Chánh mà tôi đi kiểm tra, nước rất đen. Hỏi các xã thì họ cũng không biết nước từ đâu đến. Huyện Bình Chánh có đề nghị với thành phố, ở góc độ này thì thành phố phải ra tay, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường phải hỗ chợ chúng tôi”.
Ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, trưởng Ban Chỉ đạo về chương trình Xây dựng nông thôn mới Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tại các xã nông thôn của thành phố, đang có sự thu hẹp nhanh chóng về diện tích mặt đất bởi các khu dân cư. Thành phố Hồ Chí minh đang phấn đấu trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, hướng tới thành phố thông minh. Một thành phố văn minh, không thể để tình trạng nước thải sinh hoạt xả thẳng ra môi trường. Biện pháp hiệu quả nhất mà thành phố có thể áp dụng cho từng hộ gia đình là làm hệ thống hầm Bioga. Nước thải sinh hoạt của các hộ dân thải ra phải được đấu nối vào 1 hệ thống để xử lý.
Việc phân cấp quản lý kênh rạch, thu gom rác ở vùng nông thôn của thành phố Hồ Chí Minh nói chung và tại huyện Bình Chánh nói riêng đang chồng chéo giữa các ngành và địa phương. Vì vậy, ở nhiều tuyến đường, kênh rạch, bên này địa phương quản lý thì sạch, nhưng bên kia do Sở Giao thông Vận tải quản lý thì đầy rác.
Về vấn đề này, thành phố cần phân cấp cho Ủy ban nhân dân các huyện, xã để quản lý tốt hơn. Cùng với đó, các sở, ngành và chính quyền các quận huyện của thành phố cũng cần xử lý hàng nghìn điểm thu mua, chế biến phế liệu (ve chai) ở khu vực ngoại thành, vì đó là những điểm nóng gây ô nhiễm môi trường tại các xã nông thôn của thành phố.