Đường ống nước sông Đà Hà Nội
Điểm cốt yếu
UBND TP.HCM đang vào cuộc làm rõ việc khi sử dụng các loại ống gang thì có ảnh hưởng đến chất lượng nước sạch hay không.
Trao đổi với Đất Việt, ngày 21/5, PGS.TS Nguyễn Như Quý - nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ Vật liệu Xây dựng, Đại học Xây dựng cho biết: "Thực tế, công nghệ sản xuất gang dẻo không phải bây giờ mới được đề cập tới mà đã được nhiều nước sử dụng, đặc biệt là các nước thuộc khối G7.
Ống gang dẻo khác với các ống sử dụng chất liệu khác, gang cũng có nhiều loại, gang tròn, gang dẻo... nhưng gang dẻo khi làm ống chôn dưới đất, khi bị tác động môi trường làm biến dạng sẽ dễ đàn hồi, nên không dễ bị hư hỏng như gang tròn.
Ở đây cần phải làm rõ công nghệ Trung Quốc dùng làm ống gang dẻo là gì, là thép đúc hay thép tấm, cuốn bằng cây hay băng dán. Trước đây, Hà Nội thường dùng ống gang dẻo của Phần Lan, là ống gang đúc tiêu chuẩn, đúc từng ống rồi nối vào với nhau, còn công nghệ khác là thép tấm, họ cứ cuốn vào như công nghệ của Nga làm ống dẫn đầu.
Còn ống dẫn nước hiện nay các nước hay dùng gang đúc tiêu chuẩn, gang dẻo hay thép cuốn, dùng loại nào cũng đều phải có một lớp tráng chống ăn mòn, vì chôn dưới đất chắc chắn cũng bị tác động bào mòn bởi môi trường".
Theo ông Quý, câu chuyện ở đây, không phải là ống gang được làm từ chất liệu gì, bởi dù nó có được làm từ các sản phẩm bom mìn hay những vũ khí hết hạn sử dụng, phế thải... thì cũng không ảnh hưởng đến nguồn nước, mà chính là lớp tráng chống ăn mòn trong đường ống.
Lớp tráng chống ăn mòn mà có những chất tan trong nước là chất độc thì trong thời gian lâu dài sẽ gây hại cho sức khỏe con người.
Là người nghiên cứu về lĩnh vực kim loại, theo ông Quý, nếu biết chất liệu của ống gang dẻo làm bằng gì thì chỉ cần lấy mẫu gang về xét nghiệm là biết, nhưng chắc chắn thành phần trong đó chỉ có sắt, thép, sợi các bon.
Đối với gang, thép không ai làm từ 100% quặng sắt, họ sử dụng 1 phần quặng sắt, gang phôi, trong lò luyện kim cán ra, sau đó có thể dùng nguyên tố khác như sắt, thép phế liệu. Gang, thép chỉ khác nhau ở thành phần các bon, ví dụ của C3 ra 3/1000 thép, C5 ra 5/1000.
Bản thân thép sản xuất từ phôi 100% hay là có pha thêm sắt thép phế liệu thì cũng không có vấn đề gì, vấn đề chính là lớp tráng bên trong ống gang. Nếu là lớp nhựa thì cần cẩn trọng, còn là lớp vữa xi măng thì không sao. Bình thường thì họ dùng xi măng thêm các chất khác vào tăng độ dẻo dai, bền tráng... ở đây các nhà khoa học cho vào máy là sẽ biết ngay có chất gì.
Chất nguy hại nhất là Epoxy, một loại chất đóng rắn, khô mạch vật liệu dễ gây ra chất độc.
Công nghệ làm ống gang Trung Quốc kém xa các nước G7
Ở góc độ khác, ông Quý phân tích: "Trình độ công nghệ của Trung Quốc làm ống gang không bằng được các nước G7, công thức chế tạo hợp kim các nước khác rất bí mật, Trung Quốc xét ra công nghệ cũng chỉ hơn Việt Nam một chút, còn thua xa G7.
Nhưng giá thành của Trung Quốc luôn rẻ hơn, vì vật liệu để họ làm ra các sản phẩm rẻ hơn các nước khác, nhưng chất lượng vật liệu còn kém so với Nhật Bản, Mỹ. Dẫn đầu về sản xuất kim loại là Nga, Mỹ, đó là vì sao họ ví của Nga là nồi đồng cối đá, vì Nga có trường phái của họ, dùng Nicoban sản xuất, Nga còn có cả một trường Đại học luyện kim riêng.
Còn Mỹ chủ yếu dùng Niken, cùng là sản xuất kim loại nhưng họ có các trường phái sản xuất khác nhau".
Nhưng Việt Nam đấu thầu thì hay thích giá rẻ, nên đấu thầu từ xưa đến nay toàn bằng giá, đó là một sai lầm. Chúng ta không khẳng định đồ Trung Quốc rẻ vì chất lượng họ kém, mà vì kinh tế thị trường sắt thép trên thế giới đang rẻ và đó là câu chuyện thị trường không thể mang chất lượng ra so sánh.
Bởi đơn giản, Trung Quốc cũng có nhiều loại, bản thân mỗi tỉnh trong đất nước này đã khác nhau, nên cũng khó quản lý. Cái chính là người Việt Nam phải khôn, phải tỉnh, phải kiểm soát chất lượng bằng Luật Đấu thầu, bằng hồ sơ mời thầu, bằng các hợp đồng đầu tư tốt.
Chúng ta phải nhớ mãi câu nói của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cho rằng, Trung Quốc là bậc thầy của đi đêm. Đến nay, nhiều nước trên thế giới phải nhận trái đắng từ Trung Quốc, như vừa qua Singapore phải trả lại 26 tàu cao tốc do Trung Quốc sản xuất vì chất lượng không đảm bảo.
Nhưng không phủ nhận cả thị trường Mỹ giờ đây cũng phụ thuộc vào Trung Quốc, nhất là pin mặt trời, giá thành rẻ. Hay nói đến nhập sợi PVA (Polyvinyl Alcohol), cả thế giới đang phải nhập của Trung Quốc, vì họ sản xuất nhiều.
Cho nên, việc kiểm tra nguồn nước cho dân TP.HCM, ông Quý khẳng định: "Việc cần làm là nước sinh hoạt vận chuyển bằng đường ống phải thường xuyên đem đi kiểm tra, xem có đạt tiêu chuẩn nước sạch hay không, phải thử cả tính chất thành phần, độ khuếch tán của các chất tạo thành lớp tráng trong đó, còn cơ lý chắc chắn họ đã làm rồi, nhưng độ khuếch tán chắc chắn chưa làm.
Ví dụ thử nước đạt tiêu chuẩn không có các nhân tố như kim loại nặng nhưng có dấu hiệu các chất khuyếch tán là rất nguy hại".
Theo Châu An (baodatviet.vn)