Nước thải từ trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn đang gây ô nhiễm
Dẫn chúng tôi ra khu vực có đường ống xả nước thải đen ngòm từ Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn xả ra dòng sông Cổ Cò, ông Phạm Tuấn, tổ trưởng tổ 91, phường Khuê Mỹ, lo lắng: “Hơn 50 hộ dân trong tổ phải hưởng trọn mùi hôi thối mỗi khi nước thải đổ ra từ đường ống của trạm mỗi ngày.
Do nước thải xả ra quá nhiều khiến cá sông dọc khu vực này chết dần dần buộc người dân phải bỏ ghe để lên bờ đi làm thuê. Do gần đây, bà con thấy cá lồng bè chết quá nhiều nên lo sợ và bất an nên đã gửi đơn khiếu nại lên UBND phường, yêu cầu xử lý trạm xử lý nước thải xả thải gây cá chết, môi trường ô nhiễm, cuộc sống người dân bị ảnh hưởng”.
Được biết, khu vực này thường xuyên xảy ra hiện tượng cá chết, mặt nước sông đục ngầu do nước thải xả ra quá nhiều. “Trước đây, mỗi ngày người dân đi ghe trên sông cũng kiếm được hơn 100 ngàn đồng nhờ vào việc đánh lưới. Nhưng 3 năm trở lại đây, do lượng cá không còn nhiều nên chúng tôi đành bỏ ghe để lên bờ kiếm sống. Mất nghề, sinh hoạt bị xáo trộn do nước sông ô nhiễm từng ngày khiến người dân ngày càng bức xúc.
Tới năm 2016, TP lại cho xây kề bê tông cao hơn 3m chắn ngay bờ sông càng khiến lượng nước thải xả ra bị ứ đọng, bốc mùi hôi thối nồng nặc gấp hàng chục lần. Người dân đã mất kế sinh nhai, nay lại phải sinh hoạt trong bầu không khí ô nhiễm nặng nề”- ông Trương Huỳnh, ngụ tổ 91, phường Khuê Mỹ bức xúc.
Theo ông Mai Mã- Giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng (đơn vị quản lý Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn), hoạt động xử lý nước thải của trạm nhằm mục đích bảo vệ môi trường nhưng do trạm sử dụng công nghệ xử lý bậc 1 từ những năm 2000 nên lượng nước thải sau xử lý có mùi hôi kèm một lượng lớn chất coliform ra môi trường chưa được xử lý triệt để. Hiện hiệu suất hoạt động của trạm chỉ đạt 50 % nên mỗi ngày xử lý được gần 10 ngàn m3 nước thải sau xử lý ra môi trường.
Trao đổi với PV, ông Lê Tấn Nghĩa- Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ cho biết: Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn đã hoạt động hơn 10 năm nay và khiến cuộc sống người dân rơi vào cảnh bất an do ô nhiễm. Hiện khu vực quanh trạm xử lý nước thải nằm trong vùng giải tỏa với hơn 149 hồ sơ và hiện vẫn còn hơn 20 hồ sơ chưa được xử lý do vướng khâu đền bù, giải tỏa. “Người dân viết đơn khiếu nại về ô nhiễm trên là chuyện bình thường do mỗi lần lượng nước thải xả ra quá mức, trạm lại cho giảm công suất hoạt động nên tình trạng ô nhiễm kéo dài đến nay”- ông Nghĩa nói.
Để khắc phục ô nhiễm tình trạng ô nhiễm kéo dài trên, ông Mai Mã cho rằng, trong thời gian tới, hệ thống nước thải của trạm sẽ được Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hệ thống ưu tiên TP thực hiện viêc đấu nối đường ống dẫn nước thải về khu vực Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). Khi đó, nước thải sau xử lý sẽ đạt chuẩn loại A, không còn gây ô nhiễm. Khu vực trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn sau đó sẽ trở thành trạm bơm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Người dân khu vực này sẽ được tiếp tục ở lạị chỗ cũ do ô nhiễm sẽ không còn, phương án di dời dân trước đó sẽ không được thực hiện.
Cạnh đó, cách độ vài chục mét và nhìn qua bờ sông Cổ Cò, là cảnh sống khổ sở mà hơn 10 năm nay, gần 80 người dân ở khối Đồng Nò, phường Hòa Quý phải gánh chịu vì thiếu thốn nước sạch do nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng lẫn do nguồn nước sông bị ô nhiễm kéo dài. Ngoài việc thiếu thốn nước sạch, khu vực Đồng Nò đang nằm trong vùng giải tỏa đã nhiều năm nhưng tới nay vẫn chưa xong khâu giải phóng mặt bằng càng khiến cuộc sống người dân lâm vào cảnh khốn khổ.