Thứ 3, 8/1/2008 9: 21: 15 A.M

Liên hệ:
Đưa nước sạch về vùng khó
Đưa nước sạch về vùng khó
Kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2020, Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO)sẽ triển khai 15 dự án (DA) đảm bảo cấp nước cho những vùng khó khăn, nhất là 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới.



“Phủ sóng” cấp nước nông thôn
Năm 2003, tỉnh có chủ trương tập trung nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (CTMTQG) nối mạng nước máy đô thị về nông thôn. Lúc bấy giờ, toàn tỉnh chỉ có 45.467 hộ được sử dụng nước sạch, chiếm 35% dân số toàn tỉnh, chủ yếu cấp nước đô thị.
 
Lồng ghép vốn CTMTQG (35%) với vốn đầu tư công ty (35%) và Nhân dân đóng góp (30%- chủ yếu là công đào và lấp đất các tuyến ống); hỗ trợ 400.000 đồng/hộ đầu tư các tuyến ống cấp nước vào các kiệt, xóm; lắp đặt nước miễn phí theo Nghị định 117 (2009)… đến nay, HueWACO đã cấp nước an toàn cho 960.000 người, đạt trên 83% dân số toàn tỉnh (cấp nước đô thị đạt 97,6%, cấp nước nông thôn đạt 73%).
 
Số liệu thống kê từ Sở NN&PTNT, những năm gần đây, HueWACO tiếp nhận 21 hệ thống cấp nước (HTCN) nhưng hầu hết đều xuống cấp, hư hỏng, công nghệ xử lý nước lạc hậu, chất lượng nước không đảm bảo theo QCVN 01/2009 BYT do lỗi thiết kế, thi công, quản lý, vận hành thiếu chuyên nghiệp.
 
Theo kế hoạch, trong 2 năm 2018-2019, HueWACO sẽ  tiếp nhận 43 HTCN nông thôn, tập trung ở Nam Đông, A Lưới. Trong khi, hệ thống này đã xuống cấp, không còn hoạt động, nguồn vốn đầu tư công giai đoạn này rất ít, chỉ đủ để cải tạo nâng cấp hệ thống.
 
Ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT HueWACO thông tin, Chính phủ đã có những quy định khá cụ thể trong việc bố trí đầu tư các công trình cấp nước sạch tập trung ở khu vực nông thôn. Cụ thể, ngân sách Trung ương và địa phương sẽ hỗ trợ 90% vốn đối với các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới; 75% đối với các vùng nông thôn khác; 60% đối với vùng đồng bằng, vùng duyên hải; 45% đối với vùng thị trấn, thị tứ. Tuy nhiên, hiện nay để xây dựng các công trình nước sạch nông thôn, nguồn vốn chính vẫn do HueWACO bỏ ra, trong khi HueWACO đã cổ phần hóa nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh.
 
Đầu tư về vùng khó
Toàn tỉnh có 8 vùng cấp nước nhưng khi thực hiện DA cấp nước toàn tỉnh, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ cho vay đầu tư 5 vùng, 3 vùng còn lại do hiệu quả kinh tế thấp không được vay vốn (Nam Đông, A Lưới và Chân Mây). Trước khó khăn trên, sau cổ phần hóa, HueWACO đề xuất đưa các DA cấp nước cho 3 vùng này vào chương trình đầu tư công trung hạn 2016-2020. Các DA sẽ sử dụng 2 nguồn vốn: nguồn khấu hao tài sản nhận nợ, thuê tài sản của tỉnh và nguồn cổ tức của 70% cổ phần Nhà nước đang nắm giữ. Dự kiến, quy mô đầu tư khoảng 200 tỷ đồng trong vòng 4 năm, tập trung chính cho 2 vùng cấp nước Nam Đông, A Lưới.
 
UBND tỉnh cũng vừa điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017-2020. Theo đó, HueWACO sẽ tiến hành 15 DA bao gồm: HTCN nối mạng xã Hồng Thái, Hương Nguyên; đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch Thượng Long công suất 2000m3/ngày đêm (giai đoạn 1); nâng cấp, mở rộng HTCN thị trấn A Lưới và các xã phụ cận…
 
Hiện, HTCN xã Hồng Thái được phê duyệt đầu tư trong tháng 1/2018 với tổng mức đầu tư 1,9 tỷ đồng đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Các DA khác đang trong quá trình chờ vốn, hoàn thành các thủ tục phê duyệt DA. Dự kiến trong năm 2019, các DA sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.
 
Theo ông Trương Công Nam, để tạo nguồn đầu tư đẩy nhanh tiến độ DA đầu tư công trung hạn, HueWACO tiến hành ứng cổ tức phần vốn Nhà nước để bổ sung nguồn vốn trung hạn 2018 chuyển cho ngân sách trên cơ sở đó tỉnh sẽ phân bố lại nguồn kinh phí thực hiện DA.
 
Ông Trương Công Nam lo lắng, cấp nước nông thôn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của HueWACO. Trong khi, cấp nước nông thôn có quy mô vốn lớn; suất đầu tư cao gấp 3 lần, giá thành cao gấp 2 lần so với đô thị; vùng núi có nơi cao gấp 20 lần. Tỷ lệ dân số/diện tích phục vụ chỉ bằng 15% các đơn vị cấp nước đô thị; bình quân đấu nối chỉ bằng 44% đô thị; lượng nước sử dụng bằng 40% đô thị.
 
Để đầu tư cho 1 đấu nối trung bình phải mất chi phí gần 10 triệu đồng, riêng khu vực nông thôn con số này lên đến 30 triệu đồng, vùng núi còn cao hơn. Một số vùng cấp nước mặc dù được đầu tư nhưng người dân hoàn toàn không dùng nước sạch.
 
Số liệu thống kê trong tháng 7/2018, toàn tỉnh hiện có trên 14.338 hộ được đầu tư HTCN (430 tỷ đồng) nhưng không sử dụng nước, trong khi, HueWACO phải thường xuyên thực hiện duy tu, bảo trì đường ống, duy trì dịch vụ…, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả từ chương trình và mục tiêu cấp nước. Mỗi năm, HueWACO phải bù chéo giá nước cho khu vực nông thôn trên 103 tỷ đồng.
 
Ông Trương Công Nam khẳng định, sắp tới công ty sẽ triển khai thỏa thuận cấp nước, kiến nghị áp dụng chính sách giá nước và phí dịch vụ cấp nước như phí thuê bao của các đơn vị viễn thông trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, khách hàng, các đơn vị muốn lắp đặt hệ thống cấp nước phải cam kết sử dụng nước trong một định mức nhất định, tránh tình trạng đầu tư nhưng không sử dụng như hiện nay.
 
Cùng với DA cấp nước toàn tỉnh vay vốn ADB, DA xây dựng nhà máy Vạn Niên đang triển khai thi công và 15 DA đầu tư công trung hạn khi hoàn thành sẽ giúp Thừa Thiên Huế có được một hạ tầng cấp nước đồng bộ, đảm bảo an ninh nước, cấp nước an toàn và ngon cho cho trên 93,1% dân số.
 
Muốn làm được điều này, song hành với những nỗ lực của HueWACO, chính quyền các địa phương cùng vào cuộc vận động, tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, lợi ích của việc sử dụng nước sạch và bảo vệ hệ thống cấp nước; đồng hành cùng HueWACO thực hiện thành công mục tiêu cấp nước an toàn và ngon, đảm bảo an ninh nước toàn tỉnh.
Theo huewaco.com.vn

Đưa nước sạch về vùng khó  (26/09)
Thừa Thiên Huế: Quy hoạch cấp nước toàn tỉnh đến 2020, tầm nhìn 2030: Đảm bảo an toàn và ngon bền vững  (26/09)
Tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn quận Thủ Đức hạn chế khai thác nước ngầm  (26/09)
Ninh Thuận: Lo đủ nước sinh hoạt giữa mùa khô  (24/09)
Chuẩn hóa ghi, thu tiền nước  (24/09)
Vietwater 2018 - Triển lãm Quốc tế hàng đầu về ngành nước tại Việt Nam sẽ trở lại vào tháng 11  (12/09)
Việt Nam và Hungary ký kết nhiều văn kiện hợp tác  (12/09)
Thăm nhà máy xử lý nước thải lớn nhất Trung Âu  (12/09)
Hà Nội: Mực nước nhiều sông, hồ vượt ngưỡng thiết kế  (31/07)
Ứng phó với khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ  (18/07)
   
 
   Online :  7
   Total Online :  1393743