Thứ 3, 8/1/2008 9: 21: 15 A.M

Liên hệ:
Làm sạch sông Tô Lịch​​​​​​​: Phải chặn nguồn nước xả thải trực tiếp
Làm sạch sông Tô Lịch​​​​​​​: Phải chặn nguồn nước xả thải trực tiếp
Công ty thoát nước Hà Nội vừa cho mở cửa xả hơn 1 triệu m3 nước từ Hồ Tây ra sông Tô Lịch. Việc xả nước này nhằm thực hiện công tác thoát nước mùa mưa, nhưng dòng sông Tô lại trở về màu đen vốn có, thêm vào đó là hiện tượng cá chết trắng trên dòng sông ngay khu vực cửa xả.
  
 

 

Từ đầu tháng 5, thông tin về việc cải tạo sông Tô Lịch theo công nghệ của Nhật Bản, do các chuyên gia Nhật Bản thực hiện đã khiến nhiều người dân Thủ đô hy vọng về sự hồi sinh của dòng sông chết. Đây là con sông chảy qua nhiều phường, xã của Hà Nội, có chiều dài khoảng 14 km nhưng luôn trong tình trạng hôi thối với dòng nước đen ngòm. Đây cũng được ví như cống thải lộ thiên lớn nhất nước. Trong thời gian này, các chuyên gia Nhật Bản đã thí nghiệm cải tạo sông Tô bằng công nghệ Nano – Bioreactor tại hai điểm trên sông thuộc khu vực Hoàng Quốc Việt – Cầu Giấy.

Kết quả của hai đợt thí điểm cho thấy, nước ở khu vực đặt máy xử lý theo công nghệ Nhật Bản đã được cải thiện, nồng độ oxy hòa tan trong nước cao hơn khu vực chưa xử lý; nước sông trong hơn và giảm mùi hôi thối. Tuy nhiên, một điều khiến nhiều người băn khoăn là cho dù công nghệ Nhật Bản có giúp làm sạch sông Tô Lịch, hay việc xả nước từ Hồ Tây vào sẽ làm cho dòng sông đổi sang màu xanh thì với việc không ngăn chặn việc xả thải trực tiếp, dòng sông cũng sẽ nhanh chóng trở lại tình trạng ban đầu.

Theo TS Nguyễn Văn Khải, chuyên gia về xử lý ô nhiễm nước cho rằng, khi nguồn nước thải từ khắp nơi vẫn còn xả thẳng ra sông Tô Lịch như hiện nay thì không một công nghệ nào có thể làm sạch được. TS Khải cho biết, để giải quyết ô nhiễm, làm hồi sinh sông Tô Lịch, chính quyền thành phố cần có một giải pháp đồng bộ, sát thực tế hơn. Cụ thể, giải pháp đầu tiên ở đây cần làm là xử lý được nước thải sinh hoạt, sản xuất tại nguồn; giải pháp thứ hai là khai thông dòng chảy cho sông Tô Lịch. Với giải pháp thứ nhất, thành phố phải thu gom, xử lý được triệt để nước thải ra sông Tô Lịch; trong thời gian xây dựng được hệ thống thu gom, xử lý này thành phố nên thực hiện giải pháp theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm khi yêu cầu xây dựng các hố ga (thu nước) tại mỗi gia đình, cơ sở sản xuất. Thay vì đổ thẳng ra sông như hiện nay, mỗi gia đình, cơ sở sản xuất ven sông Tô Lịch phải xây dựng tại đơn vị mình một hố ga thu nước trước khi thải ra sông; nước thải khi được chảy qua hố ga sẽ thu gạt, lắng đọng toàn bộ rác, tạp chất, sau đó còn lại nước tự chảy ra sông. Việc này tuy nhỏ nhưng mang lại hiệu quả vô cùng to lớn.

Việc cá chết trắng trên sông Tô Lịch chỉ sau 2 ngày xả nước từ Hồ Tây vào, cho thấy mức độ ô nhiễm ở sông Tô vẫn rất nghiêm trọng. Việc biến dòng sông chết thành dòng sông thơ mộng, có thể phát triển du lịch và hình thành tuyến giao thông đường thủy là mong ước của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, với 280 cống xả thải trực tiếp, nếu không có giải pháp xử lý nguồn nước trước khi xả vào sông, thì mọi công nghệ hiện đại cũng khó lòng cải tạo được dòng sông đã chết mấy chục năm nay.

HOÀNG HƯƠNG (baovanhoa.vn)

Làm sạch sông Tô Lịch​​​​​​​: Phải chặn nguồn nước xả thải trực tiếp  (17/07)
Nhiều hộ gia đình ở Hậu Giang chưa được sử dụng nước sạch  (08/05)
TP.HCM giải bài toán ngập lụt bằng cách nào?  (25/02)
Tiền Giang: Nguy cơ bãi rác trôi xuống biển  (25/02)
ADB xem xét hợp tác triển khai các dự án môi trường nước ở Bình Dương  (25/02)
Hậu Giang: Chất lượng môi trường nước mặt vẫn diễn biến phức tạp  (25/02)
Nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang: Điểm sáng một vùng quê  (26/11)
Bà Rịa - Vũng Tàu: Quyết tâm cải thiện môi trường ở các đầm chứa nước  (01/11)
Quảng Ngãi: Quy hoạch thu gom và xử lý nước thải cho các đô thị  (01/11)
Bảo vệ tài nguyên nước toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu  (01/11)
   
 
   Online :  2
   Total Online :  1393809