Thứ 3, 8/1/2008 9: 21: 15 A.M

Liên hệ:
Thoát nước cho mùa mưa 2014: Phải giảm cả số điểm và thời gian ngập
Thoát nước cho mùa mưa 2014: Phải giảm cả số điểm và thời gian ngập
Ngày 8-5, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã nghe báo cáo kế hoạch thoát nước cho nội thành Hà Nội mùa mưa 2014. Quan điểm chỉ đạo được Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh là tập trung nguồn lực, hạn chế tối đa điểm úng ngập có nguy cơ gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
 
Công nhân Công ty Thoát nước dọn rác, khơi thông dòng chảy, hạn chế úng ngập trong mùa mưa lũ. Ảnh: Bảo Lâm
Nội đô cũ: Vẫn còn 20 điểm úng ngập nếu có mưa lớn

Báo cáo kế hoạch thoát nước mùa mưa 2014, ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, sau khi hoàn thành dự án đầu tư cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dự kiến có khoảng 10 điểm úng ngập cục bộ những năm trước được "xóa sổ". Trong đó, có nhiều trọng điểm ngập nặng đã được kiểm chứng qua một số trận mưa lớn đầu mùa vừa qua như ngã tư Nguyễn Tri Phương - Hoàng Diệu, Tôn Đản, ngã tư Hai Bà Trưng - Hàng Bài… Tuy nhiên, khu vực trung tâm vẫn còn khoảng 20 điểm úng ngập nếu có mưa lớn hơn 100mm trong 3 giờ. Nguyên nhân chính là các điểm này nằm trong khu vực trũng, hệ thống tiêu thoát nước không thuận gây xung đột dòng chảy, phải sau mưa 1 giờ nước mới có thể thoát hết. Đáng nói là, theo ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, có tới 30% hàm ếch, ga thu nước mưa bị "lấp" do người dân làm cầu dẫn. Thậm chí, nhiều nơi, người ta đổ bê tông bịt lại để tránh mùi hôi bốc vào nhà. Đây cũng chính là một nguyên nhân quan trọng gây ra úng ngập, tiêu thoát chậm mỗi khi mưa lớn. Đặc biệt, một số điểm xuất hiện mới do nhiều hạng mục dự án thoát nước đang triển khai làm thu hẹp dòng chảy. Về giải pháp, mỗi khi có mưa lớn, công nhân thoát nước ứng trực gom rác, mở ga thu để nước thoát nhanh hơn. Đối với những điểm ngập sâu, công ty lắp đặt trạm bơm di động tăng áp lực cho dòng chảy hoặc bơm cưỡng bức đưa nước qua các điểm nghẽn.

Ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội cho biết thêm, hiện có khoảng 20km kênh, mương đang được thi công. Ban quản lý dự án, nhà thầu cố gắng phối hợp với công ty thoát nước để bảo đảm phân làn dòng chảy, dỡ bỏ chướng ngại vật mỗi khi dự báo có mưa lớn. Đối với hệ thống cống thoát nước nội đô, ông Cường cho biết, Ban quản lý dự án đã bàn giao 40 tuyến, còn 4 tuyến sẽ bàn giao tiếp từ nay đến giữa tháng 6. Trong đó có tuyến quan trọng là Lò Đúc, sau khi hoàn thành có thể giải quyết thêm một số điểm úng ngập khu vực Phạm Đình Hồ, Hàng Chuối.

Lưu vực sông Nhuệ: Nhiều điểm ngập nặng

Nếu khu vực nội đô cũ đang được đầu tư, từng bước nâng cao năng lực thoát nước, giảm thiểu điểm úng ngập thì khu vực quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, một phần Tây Hồ, Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm được dự báo sẽ có nhiều điểm ngập nặng nếu có mưa lớn. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục Hà Nội, mặc dù chưa có thống kê cụ thể số điểm ngập nhưng có thể liệt kê những trọng điểm như dọc đường Phạm Văn Đồng, Vành đai 3, Nguyễn Xiển, Vũ Trọng Phụng, Quan Nhân, Giải Phóng (đoạn Giáp Bát - Đuôi Cá, đoạn bê tông Thịnh Liệt). Riêng địa bàn quận Hà Đông, hiện phân cấp cho UBND quận Hà Đông quản lý, Công ty Môi trường đô thị Hà Đông thực hiện, cũng được liệt kê có khoảng 20 điểm úng ngập. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có hạ tầng như đường Phạm Văn Đồng, hoặc hạ tầng có nhưng không bảo đảm như đường Nguyễn Xiển (sau khi tiếp nhận bàn giao tuyến cống thoát nước bị lấp kín cát, nhiều chỗ không tìm thấy hố ga thu) hoặc chưa được kết nối với hệ thống chung như Mỹ Đình, Mễ Trì. Địa bàn Hà Đông tiêu thoát tự chảy ra sông Nhuệ, song theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện sông Nhuệ bị thu hẹp dòng chảy nghiêm trọng, nhất là đoạn qua Hà Đông, cốt đáy thiết kế 40m chỉ còn 20-26m. Mưa lớn, nước sông lên cao nên việc thoát nước cho Hà Đông phụ thuộc Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa.

Hạn chế tối đa điểm úng ngập

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu với phạm vi nội đô cũ phải bảo đảm chống ngập tốt nhất với khả năng cao nhất; giảm thấp nhất số điểm ngập và thời gian ngập. Phương án là Sở Xây dựng chủ trì cùng công ty thoát nước, các đơn vị liên quan khảo sát, đầu tư tăng số lượng ga thu nước tại 20 trọng điểm ngập; cùng với đó tiếp tục bố trí trạm bơm tăng áp dẫn dòng đưa nước về các trạm bơm nhanh nhất. Thanh tra Xây dựng, Thanh tra Giao thông, Công an thành phố lên kế hoạch xử lý, giải tỏa vi phạm cản trở dòng chảy, bục bệ trên hệ thống thoát nước. Ngành tài chính tập trung tối đa kinh phí, thời gian thực hiện ngay trong tháng 5.

Liên quan đến phạm vi lưu vực sông Nhuệ, ông Nguyễn Quốc Hùng giao hai Sở Xây dựng, Giao thông - Vận tải nạo vét cống thoát nước, tăng số ga thu nước trên đường Vành đai 3 để tăng năng lực thoát nước cho khu vực Mỹ Đình, Mễ Trì, Cổ Nhuế. Sở Xây dựng có văn bản đề nghị các khu đô thị, ban quản lý dự án bàn giao hiện trạng, đưa vào khai thác, đấu nối hệ thống thoát nước các khu đô thị mới với hệ thống Vành đai 3. Khu vực quận Hà Đông và Long Biên, Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở NN&PTNT lập phương án thoát nước, báo cáo UBND TP trước ngày 25-5. Lưu ý, hai sở này phối hợp chặt chẽ trong việc đóng mở đập Thanh Liệt bảo đảm tiêu thoát nước tốt nhất cho nội đô, chia sẻ thoát nước cho các khu vực khác, phát huy hiệu quả trạm bơm Yên Sở. Công ty thoát nước duy tu thường xuyên, không được để ngập vì lý do chủ quan như tắc cống, không có ga thu. "Người dân Thủ đô đã chịu đựng suốt thời gian qua để đào xới 24km đường cải tạo hệ thống thoát nước mà vẫn để ngập là điều không chấp nhận được" - Ông Hùng nói.
 
Với 59 hồ điều hòa trên địa bàn, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở NN&PTNT tính toán việc hạ mực nước để điều tiết, hỗ trợ việc chứa và thoát nước khi mưa. Mục tiêu chính của các hồ này là phục vụ tiêu thoát nước và tạo cảnh quan cho khu vực.
 

Thoát nước cho mùa mưa 2014: Phải giảm cả số điểm và thời gian ngập  (15/05)
Hơn 78 tỷ đồng xây hệ thống thoát nước KCN Nam Hà Nội  (15/05)
Các tỉnh Trung Bộ cần chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước, khô hạn  (13/05)
TP HCM: Vùng ngoại thành vẫn "khát nước"  (12/05)
Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 10: Đầu tư tiền tỉ, dân vẫn 'khát' nước  (16/04)
Thiếu nước sạch ở nơi cung cấp nước sạch  (16/04)
Nước sinh hoạt Hà Nội không lọc hết độc tố  (14/04)
Những dòng sông chết và bài học từ nước Mỹ  (11/04)
Tiền Giang: Giải quyết nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô  (11/04)
Ô nhiễm nước mặt vùng Đông Nam bộ và một số giải pháp cải thiện, bảo vệ nguồn nước  (10/04)
   
 
   Online :  16
   Total Online :  1394106