Thứ 3, 8/1/2008 9: 21: 15 A.M

Liên hệ:
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội: 'Ống nước Sông Đà có thể vỡ tiếp'
Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội: 'Ống nước Sông Đà có thể vỡ tiếp'
Nhận định khả năng vỡ đường ống nước sông Đà có thể tái diễn, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị người dân sử dụng nước tiết kiệm, chuẩn bị dụng cụ tích trữ đề phòng khi có sự cố.

Tại cuộc họp báo chiều 19/8, lý giải việc nhiều khu vực nội thành bị mất nước nhiều ngày qua, Phó giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho hay, khi vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 13, Tổng công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã đóng van tại điểm đấu cấp nước vào địa bàn của Công ty nước sạch Hà Nội (khu vực Big C) nên nhiều quận như Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình, Hoàng Mai đã bị mất nước.

Đến 7h sáng 17/8, Viwasupco mới vận hành van trở lại và duy trì cấp nước, nhưng một số khu vực cuối mạng lưới vẫn gặp khó khăn, như Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa... Một số công ty phụ thuộc một phần nguồn cung từ sông Đà như Công ty nước sạch Hà Nội (phụ thuộc khoảng 10%), Công ty nước sạch Hà Đông (35%) bị ảnh hưởng lớn trong sự cố lần này.

"tru-nuoc-3902-1439994798.jpg"

Cư dân tòa chung cư N09B1 dùng mọi vật dụng có thể để trữ nước sạch trong dịp tòa nhà bị thiếu nước vào cuối tháng 4/2015. Ảnh: Hoàng Phương.

Thông tin rõ hơn, ông Trịnh Kim Giang, Phó tổng giám đốc Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, sau sự cố vỡ đường ống lần thứ 12 (ngày 24/7), Viwasupco đã giảm khoảng 50.000-55.000 m3/ngày đêm làm ảnh hưởng đến khoảng 55.000-60.000 hộ dân ở các khu vực Đống Đa, Cầu Giấy…

“Công ty nước sạch Hà Nội buộc phải cấp nước luân phiên, dồn một phần nước ở các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm để cung cấp cho các quận Đống Đa, Cầu Giấy. Ngoài ra, Công ty đã huy động 5 xe téc cấp nước sạch miễn phí cho dân cư một số khu vực. Tuy nhiên, việc sử dụng xe téc chỉ là giải pháp tình thế, không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu về nước sạch sinh hoạt, kinh doanh cho nhân dân”, ông Giang bày tỏ.

Tương tự, ông Đinh Hoàng Lân, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) cho biết, mặc dù nước sông Đà đã cấp trở lại nhưng một số khu vực cuối nguồn, đường ống cao vẫn mất nước cục bộ do các hộ dân ở đầu nguồn ồ ạt lấy nước. Viwaco cũng sử dụng xe téc để cấp nước sạch miễn phí cho nhân dân một số khu vực.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục thông tin, đến nay sản lượng nước đường ống sông Đà mới đạt 220.000 m3/ngày đêm và phải mất 2-3 ngày nữa mới đạt công suất 240.000 m3/ngày đêm (công suất trước khi xảy ra sự cố). Do vậy, Sở đã chỉ đạo các công ty phân phối nước sẵn sàng xe téc cung cấp ngay nước sạch cho người dân, không để mất nước kéo dài.

Về giải pháp lâu dài, Phó tổng giám đốc Viwasupco Trương Quốc Dương cho biết, đường ống nước sông Đà số 2 sẽ được Vinaconex khởi công vào tháng 10, dự kiến 30/5/2016 hoàn thành. Trước băn khoăn việc Vinaconex nhiều lần lùi thời điểm khởi công đường ống số 2, ông Dương khẳng định lần này không thay đổi.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục khẳng định nếu đúng thời hạn Vinaconex vẫn không khởi công, Hà Nội sẽ tính đến phương án dự phòng là giao công ty nước sạch Hà Nội làm đường ống nước số 2. Vào tháng 7/2014, thành phố Hà Nội từng có văn bản đề nghị Chính phủ, nếu Vinaconex không được giao tiếp tục làm dự án thì cho phép Hà Nội chỉ đạo công ty nước sạch triển khai.

"vo-duong-ong-song-da-5668-1439994798.jpg"

Lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, đường ống nước sông Đà tiếp tục vỡ có thể xảy ra nên Công ty nước sạch sông Đà cần chuẩn bị sẵn sàng phương án khắc phục. Ảnh: Nhật Quang.

Việc cung cấp nước sạch trong thời gian tới, Phó giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong nhận định, đường ống nước sông Đà còn có nguy cơ vỡ, thời gian khắc phục có thể kéo dài cùng với việc vận hành giảm áp lực trên tuyến ống sẽ gây ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sạch cho nhân dân thủ đô.

“Các công ty nước sạch tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhân dân sử dụng nước tiết kiệm và chuẩn bị các dụng cụ trữ nước đề phòng khi xảy ra sự cố gây mất nước hoặc nước yếu”, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu.

Võ Hải


Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội: 'Ống nước Sông Đà có thể vỡ tiếp'  (21/08)
Hàng nghìn người dân thủ đô hạn chế tắm giặt vì thiếu nước  (21/08)
Quảng Ninh: 85.000 hộ dân được cấp nước sạch trở lại  (10/08)
Mong manh ống nước sông Đà  (10/08)
Lũ tấn công Uông Bí, cô lập Yên Tử  (03/08)
Hàng trăm ngàn người dân Kiên Giang khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt  (03/08)
Quảng Ninh ngập sâu 2m, 17 người tử vong  (29/07)
Quảng Ninh chìm trong nước, giao thông tê liệt  (27/07)
Khánh thành Nhà máy nước Dương Đông - Kiên Giang  (20/07)
"Xã ung thư" mòn mỏi chờ nước sạch  (13/07)
   
 
   Online :  22
   Total Online :  1394012