Theo đề xuất của Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập TP HCM, khoảng 1,1 km đoạn kè mới ở bờ tả sông Sài Gòn sẽ được xây ở những vị trí bị xuống cấp nặng, đoạn từ cầu Rạch Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm. Ngoài ra, những đoạn kè có sẵn còn sử dụng được sẽ được tận dụng sửa chữa. Tổng chiều dài toàn tuyến sau khi chỉnh trang, kết nối khoảng 8,2 km.
Nguồn vốn đầu tư công trình có gần 993 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền giải phóng mặt bằng khoảng 170 tỷ đồng) từ ngân sách thành phố. Dự án dự kiến được khởi công vào năm sau và hoàn thành trong 4 năm.
|
Những năm qua TP HCM đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để chống ngập, song kết quả chưa khả quan. Ảnh: An Nhơn. |
Theo Trung tâm chống ngập, dự án hoàn thành sẽ góp phần khắc phục tình trạng sạt lở, chống nước tràn do lũ thượng nguồn và triều cường để bảo vệ 1.600 ha đất ven sông Sài Gòn với khoảng 25.000 dân thuộc quận 2 và Thủ Đức. Đồng thời tạo ra một vùng ven sông thoáng mát, sạch đẹp với vành đai cây xanh giúp người dân có chỗ vui chơi, giải trí
Trước đó, cuối tháng 5, UBND TP HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng phê duyệt việc vay 422 triệu USD từ Ngân hàng thế giới để thực hiện dự án quản lý rủi ro ngập nước trên địa bàn.
Dự án nhằm chống ngập, thoát nước và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan cho lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên; xây 2 cống ngăn triều để kiểm soát triều khu vực trung tâm thành phố; nâng cao năng lực quản lý, điều và vận hành hệ thống phòng chống ngập, thoát nước thải, hệ thống thông tin cảnh báo sớm, vận hành liên hồ chứa, quản lý khai thác nước ngầm và phát triển đô thị...
Liên quan đến việc chống ngập, mới đây Thủ tướng đã yêu cầu TP HCM phải tập trung giảm ngập, tạo chuyển biến rõ rệt trong 5 năm tới, trước hết là ở khu trung tâm. Thành phố cũng được yêu cầu phải quản lý chặt chẽ quy hoạch xây dựng, bảo vệ và xây dựng các hồ điều hòa, vùng chứa nước; nạo vét, giải tỏa vật cản trên hệ thống kênh rạch để tiêu thoát nước nhanh khi mưa lớn. Đồng thời, tăng cường quản lý, hạn chế việc khai thác nước ngầm tránh nguy cơ sụt lún.
Trung Sơn