Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nước sạch trên địa bàn, HĐND Thành phố Hà Nội kiến nghị tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực nước sạch tại các khu vực còn khó khăn, khó có khả năng tiếp cận từ nguồn nước sạch tập trung.
Nhiều dự án chậm tiến độ
Báo cáo của HĐND TP Hà Nội về kết quả giám sát tình hình, kết quả triển khai thực hiện các dự án nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, hiện các dự án phát triển nguồn tập trung còn chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư chưa quyết liệt, tích cực triển khai thực hiện dự án theo tiến độ, kế hoạch đã được phê duyệt.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, hiện thành phố còn 01 dự án chưa giải phóng mặt bằng xây dựng 2 trạm tăng áp X1, X2 (Dự án xây dựng hệ thống mạng cấp nước sạch 8 xã huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận).
Mặc dù thành phố đã có cơ chế tạo điều kiện để các chủ đầu tư được vay vốn từ Qũy đầu tư, song việc tiếp cận nguồn vốn gặp khó khăn do doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để được vay vốn. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với một số chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng chưa kịp thời; ở một số dự án, chủ đầu tư tính toán hiệu quả dự án nên còn chờ tiến độ hoàn thành từ các dự án đầu tư phát triển nguồn.
Chủ đầu tư các dự án nước sạch chưa quyết liệt, tích cực triển khai thực hiện dự án theo tiến độ. Ảnh minh họa
Mặt khác, việc thu tiền ứng trước của các hộ dân để thi công lắp đặt đồng hồ đo nước được thành phố thống nhất chủ trương nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Thực tế, việc triển khai lắp đặt đồng hồ đo nước không thống nhất giữa các địa phương và giữa các doanh nghiệp dẫn đến so sánh, thắc mắc của người dân nên nhiều hộ gia đình chưa đồng tình lắp đặt. Hiện tại, tỷ lệ đấu nối sử dụng nước sạch tại những nơi đã lắp đặt đường ống truyền dẫn và phân phối còn thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hiện nay phần lớn các công trình cấp nước sạch nông thôn phân tán, có quy mô nhỏ, nhiều công trình xây dựng không đồng bộ. Nhiều công trình sau khi bàn giao không sử dụng được ngay, phải cải tạo, đầu tư bổ sung mới có khả năng đưa vào khai thác kinh doanh với tổng mức đầu tư lớn, khó khăn trong việc thu hồi vốn và hoàn trả nguồn vốn ngân sách đã đầu tư, hiệu quả kinh doanh không cao không hấp dẫn các doanh nghiệp để tiếp nhận quản lý vận hành kinh doanh; chất lượng nước không đảm bảo ổn định, chưa đáp ứng tiêu chuẩn nước sạch đô thị do công nghệ cũ, lạc hậu, tỷ lệ thất thoát nước lớn do mạng truyền dẫn xuống cấp;
Tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch chưa cao; một số đơn vị quản lý vận hành chưa thực hiện đầy đủ quy định về quản lý và giám sát chất lượng nước sau xử lý, nhiều đơn vị chưa thực hiện việc bổ sung công nghệ lọc mới hiện đại theo chỉ đạo của Thành phố, nhiều trạm cấp nước sạch nông thôn đang hoạt động nhưng chủ đầu tư không lắp đặt đồng hồ đo đếm nước đầu vào để làm cơ sở nộp thuế khai thác tài nguyên nước...
Kêu gọi đầu tư xã hội hóa
Đểkhắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo kế hoạch đã phê duyệt, Ban Đô thị HĐND Thành phố Hà Nội kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở ngành, chính quyền các cấp tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực nước sạch tại các khu vực còn khó khăn, khó có khả năng tiếp cận từ nguồn nước sạch tập trung tại một số xã thuộc huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì; nghiên cứu có phương án đảm bảo cấp nước cho người dân tại những khu vực này.
Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát đánh giá đầu tư, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ. Chỉ đạo các sở, ban, ngành khẩn trương hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư tiếp nhận quản lý vận hành, nâng cấp các trạm cấp nước sạch nông thôn hiện có…
Ban Đô thị, HĐND TP. Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể và thực hiện đúng tiến độ. Chủ đầu tư các dự án phải lắp đặt hệ thống lọc để nâng cao chất lượng nước, tạo niềm tin để người dân yên tâm sử dụng.