Đầu tư nhiều, hiệu quả ít
Theo thiết kế, các công trình cấp nước sau khi đưa vào sử dụng sẽ giải quyết phần lớn nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân huyện Chư Prông, trong đó đa phần là tại các buôn, làng mà bà con người dân tộc thiểu số sinh sống, vốn còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, điều đáng nói là trong số các công trình được đầu tư xây dựng, có công trình chỉ sau 1-2 năm đã hư hỏng và bị bỏ hoang, có công trình sau một thời gian người dân không còn nhu cầu sử dụng, công trình đang hoạt động thì hiệu quả lại rất thấp.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 18 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn, trong đó có: 04 công trình cấp nước nông thôn do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường tỉnh làm chủ đầu tư; 01 công trình cấp nước tập trung do Trung ương Đoàn làm chủ đầu tư, nguồn vốn thuộc Dự án Thanh niên lập nghiệp; các công trình còn lại do UBND huyện làm chủ đầu tư, nguồn vốn thuộc chương trình 134 và 134 kéo dài.
Tuy được đầu tư với một số tiền lớn như vậy nhưng tới thời điểm hiện tại, có tới 04 công trình ngưng hoạt động và 01 công trình hoạt động kém. Cụ thể, 04 công trình cấp nước bơm dẫn ngưng hoạt động nằm ở các địa phận: làng Bạc 1 - Ia Phìn; làng Kành, làng Bàng - Bình Giáo; làng Griêng - Ia Boòng; làng Ring - Ia Mơr và 01 công trình cấp nước tự chảy hoạt động kém nằm ở làng Khôi - Ia Ga.
Nhiều người dân tỏ ra buồn bã vì không có nước sạch để dùng, anh Jơ Châm Bê (SN 1974), người dân tộc Jrai, sống tại làng Griêng - Ia Boòng nói: "Từ ngày có công trình cấp nước, người dân chúng tôi không còn phải đi ra suối xa lấy nước. Tuy nhiên, chỉ được vài năm thì hư hỏng, cũng có vài lần sửa chữa nhưng rồi cuối cùng cũng ngưng hoạt động. Chúng tôi không biết làm cách nào. Rất mong chính quyền quan tâm, sửa chữa để dân lại có nước sạch đểdùng”.
Đâu là nguyên nhân?
Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn tới các công trình hoạt động kém là do nguồn nước cấp cho công trình ngày một giảm, chỉ đủ cấp nước cho các hộ dân đầu nguồn công trình. Còn số bị bỏ hoang một phần là do người dân không thể trả đủ chi phí tiền điện, phần khác là số hộ dân đã tự đào giếng nên không còn nhu cầu sử dụng.
Điển hình như công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 3 làng Tnao - Griêng- Briêng, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, được xây dựng từ năm 2007, do huyện làm chủ đầu tư với số vốn 1.28 tỉ, tới thời điểm hiện tại đã bị bỏ hoang. Theo quan sát của chúng tôi, máy bơm nước bị cháy, automat hỏng, dây điện theo đường dẫn ống mục. Đường ống chính bị rò rỉ, đường ống dẫn về các hộ bị bể do lâu năm, đồng thời đồng hồ hư hỏng, rỉ sắt, không vận hành được nên bị tháo dỡ. Người dân tại đây không có nước nên phải đào giếng hoặc đi lấy nước ở các con suối về sử dụng, dù biết không đảm bảo vệ sinh.
Tương tự, công trình cấp nước tại làng Bạc 1, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông được xây dựng từ năm 2006 với số vốn gần 40 triệu đồng, đang đứng trước nguy cơ bị thanh lý. Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Duân - Chủ tịch UBND xã Ia Phìn, huyện Chư Prông cho biết: "Trước đây, khi phát động xây dựng công trình cấp nước, người dân rất hưởng ứng và vui mừng. Tuy nhiên, vì một phần do tiền điện sử dụng cao, một phần vì các hộ dân đều tự đào giếng riêng hoặc sử dụng nước nhỏ giọt, nên nhu cầu sử dụng nước từ công trình cấp nước không còn, dẫn đến công trình cấp nước nơi đây bị bỏ hoang từ năm 2015 đến nay”.
Trên thực tế, nếu để nói trách nhiệm chỉ nằm ở chính quyền thì không đúng, vì một phần lớn các công trình cấp nước tập trung dễ bị hư hỏng là do ý thức sử dụng của người dân. Phần đông người dân chưa thực sự có trách nhiệm trong việc sử dụng, quản lý tài sản chung, vì có tiến hành sửa chữa, duy tu mà ý thức của người dân không tốt lên, thì hư hỏng ắt sẽ tái diễn liên tục.
Cơ quan có thẩm quyền nói gì?
Trước tình trạng nhiều công trình bị bỏ hoang, từ năm 2017, các xã cũng đã có báo cáo lên UBND huyện để nhờ hỗ trợ. Nhưng không hiểu vì lý do gì, tới thời điểm này, huyện mới bắt đầu hành động.
Ông Nguyễn Văn Luyến - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông cho biết, trên cơ sở phân cấp quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn, theo Quyết định số 23/2014/QĐ- UBND, ngày 04/12/2014, UBND huyện Chư Prông đã giao 18 công trình cấp nước cho UBND các xã trực tiếp quản lý. Để công trình hoạt động hiệu quả, các địa phương đã thành lập tổ tự quản có trách nhiệm quản lý, trông coi, bảo dưỡng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do xuất phát từ việc nhu cầu sử dụng của người dân không còn, cũng như không đảm bảo đóng đủ tiền điện, hệ thống hư hỏng nên đành để đó.
|
Bảng hiệu công trình cấp nước tập trung không còn rõ chữ do bị bỏ hoang thời gian dài |
Cũng theo ông Luyến, "UBND huyện, mà cụ thể là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiến hành khảo sát các công trình cấp nước trên địa bàn huyện. Sau khi đánh giá, tham khảo dự trù kinh phí sửa chữa, cân đối với nguồn vốn, sẽ thực hiện duy tu đối với công trình cấp nước sinh hoạt tập trung của làng Griêng - Ia Boòng. Đối với công trình cấp nước sinh hoạt làng Ring thì xã Ia Mơr sẽ tự bố trí kinh phí sửa chữa. Còn với các công trình cấp nước của làng Bạc 1 - Ia Phìn; làng Kành, làng Bàng - Bình Giáo sẽ tiến hành thanh lý để tránh lãng phí vì người dân không còn nhu cầu sử dụng”.
Được biết, thời gian tới, UBND huyện Chư Prông sẽ tăng cường chỉ đạo các địa phương triển khai tốt công tác quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước tập trung nông thôn trên địa bàn; xây dựng mô hình quản lý theo "Sổ tay hướng dẫn cộng đồng quản lý công trình cấp nước tập trung cộng đồng nông thôn” đã được ban hành.
Theo MTĐT