Thứ 3, 8/1/2008 9: 21: 15 A.M

Liên hệ:
Nhà máy Thủy điện Thác Thúy cần chia sẻ nguồn nước sinh hoạt với người dân
Nhà máy Thủy điện Thác Thúy cần chia sẻ nguồn nước sinh hoạt với người dân
Nhà máy thủy điện Thác Thúy và Nhà máy xử lý nước Bắc Quang đều được xây dựng trước những năm đầu của thế kỷ XXI. Cả hai nhà máy, cùng sử dụng chung nguồn nước từ suối Thủy chảy qua địa bàn thị trấn Việt Quang (Bắc Quang).
 
Công nhân Trung tâm cấp thoát nước Bắc Quang treo mình trên vách đá lắp đường ống dẫn nước từ thượng nguồn suối Thủy về nhà máy.

Khi Nhà máy thủy điện Thác Thúy chưa tư nhân hóa, việc chia sẻ nguồn nước diễn ra rất êm thuận. Nhưng, từ khi được bán cho Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Long (Công ty Việt Long) thì bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn. “Cuộc chiến” nguồn nước giữa Trung tâm Cấp thoát nước Bắc Quang - chủ quản Nhà máy xử lý nước và Công ty Việt Long diễn ra nhiều năm, có lúc rất gay gắt. Công ty Việt Long không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm chia sẻ nguồn nước sinh hoạt với người dân, còn từng bước hiện thực hóa ý đồ độc chiếm tài nguyên nước.

Nhà máy xử lý nước Bắc Quang được xây dựng năm 1998 với tổng vốn đầu tư trên 13 tỷ đồng, đến năm 2003 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Theo thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nguồn nước thô dẫn vào nhà máy, được lấy cùng bể áp của Nhà máy thủy điện Thác Thúy.


Năm 2005, sau khi nắm quyền quản lý, vận hành, khai thác Nhà máy thủy điện Thác Thúy, Công ty Việt Long bắt đầu thực hiện việc độc chiếm nguồn nước. Hành động đầu tiên đó là, không cho Nhà máy xử lý nước lấy nước thô tại bể áp như vẫn thường dùng. Giải quyết vấn đề trên, Trung tâm Cấp thoát nước Bắc Quang đã thương thảo, yêu cầu Công ty Việt Long phải chấp thuận phương án để cửa lấy nước cấp cho Nhà máy xử lý nước tại đập đầu mối thủy điện. Trung tâm đã đầu tư, lắp đặt 500m đường ống kéo từ bể áp lên đập thủy điện, dẫn nước về nhà máy xử lý. Dù phải chấp nhận chia sẻ nguồn nước, nhưng Công ty Việt Long chỉ cho đặt cửa thu nước tại vị trí không đủ áp lực chảy. “Ngày đó, nhu cầu sử dụng của người dân còn ít nên tạm thời đủ nước thô cung cấp” - ông Đào Dương Toàn, Giám đốc Trung tâm Cấp thoát nước Bắc Quang cho biết.


Đến năm 2010, nhu cầu sử dụng nước của người dân thị trấn Việt Quang tăng cao, nguồn nước thô không đủ cấp, trung tâm nhiều lần có văn bản đề nghị Công ty Việt Long cho mở thêm cửa lấy nước tại đập đầu mối. Đề nghị này không được Công ty Việt Long chấp thuận, với lý do đưa ra là vi phạm kết cấu và độ an toàn của đập. Trước thực trạng đó, trung tâm đã thực hiện giải pháp thi công, lắp đặt đường ống dẫn nước thô vượt qua đập thủy điện, lên thượng nguồn suối Thủy, nơi có địa hình phức tạp, hiểm trở. Hệ thống đường ống này ngốn hết 500 triệu đồng, sau nửa năm thi công mới hoàn thành. Theo tính toán, hệ thống đường ống mới đảm bảo cung cấp nước cho nhu cầu hiện tại và hàng nghìn hộ dân trong tương lai.


Năm 2013, Công ty Việt Long thực hiện cải tạo, xây dựng đập cao thêm 4m, hạ cửa thu nước xuống 30-35cm. Như vậy, đường ống thu nước của Nhà máy xử lý nước Bắc Quang cao hơn mặt nước 10-15cm, nên không lấy được nước. Khi nhà máy thủy điện tăng công suất vào giờ cao điểm, nguồn nước về Nhà máy xử lý nước bị thiếu hụt nghiêm trọng, dẫn đến tụt bể áp, không vận chuyển được nước đi các điểm xa của thị trấn như khu Thủy Vôi, Pác Há...


Nhằm chủ động nguồn nước, phục vụ nhu cầu lâu dài của người dân, Trung tâm Cấp thoát nước đã chủ động nâng cấp đường ống hàn nhiệt 110mm lên 200mm, đặt tại vị trí đang lấy nước trên mặt đập cũ và nằm trong thân đập mới. Nhưng ông Phạm Hải Hà, Tổng Giám đốc Công ty Việt Long đã chỉ đạo nhân viên ngăn cản, không cho tháo dỡ hệ thống đường ống. Tháng 4.2013, Công ty Việt Long thuê chuyên gia khảo sát đầu nguồn suối Thủy, phía trên thượng lưu cách điểm thu nước thô của trung tâm 1km để xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Thúy 2. Tiếp đó, tháng 7.2013, ông Phạm Hải Hà đến Trung tâm Cấp thoát nước thông báo thời gian xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Thúy 2. Theo ông Hà, nhà máy được xây dựng tại thôn Thanh Sơn (thị trấn Việt Quang), bên kia suối Thủy, cách thủy điện cũ khoảng 300m, công suất 8MW. Đập ngăn nước được đặt tại vị trí thượng nguồn suối Thủy, nơi giao nhau của 2 nhánh suối, cách đập cũ 1.200m. Nước từ đập dẫn về nhà máy theo đường hầm xuyên qua núi, toàn bộ lưu lượng nước bị chặn lại và chuyển hướng theo đường ống về vị trí Nhà máy thủy điện Thác Thúy 2. Như vậy, dòng suối cũ, nơi cấp nước thô cho Nhà máy xử lý nước Bắc Quang không còn nước, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhà máy phải ngừng hoạt động, người dân không có nước sinh hoạt. Ông Phạm Hải Hà đề xuất, Trung tâm Cấp thoát nước cần có phương án lấy nước, xử lý nước thay thế vị trí hiện tại...


Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Dương Toàn cho biết: Nhà máy xử lý nước có công suất thiết kế giai đoạn I đạt 2 nghìn m3/ngày đêm, đến năm 2015 nâng lên 4 nghìn m3/ngày đêm, đáp ứng được nhu cầu phát triển trước mắt và tương lai của thị trấn Việt Quang. Hiện tại, nhà máy đang khai thác nguồn nước thô với lưu lượng trên 2.600m3/ngày đêm, cung cấp nước cho gần 3 nghìn hộ dân, trên 100 cơ quan hành chính, doanh nghiệp, dự kiến giai đoạn 2015-2018 tăng lên 3.500m3. Nếu nhà máy thủy điện Thác Thúy 2 được phê duyệt, tiến hành xây dựng, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của 10 vạn dân thị trấn và các vùng lân cận.


Đứng trước nguy cơ bị thôn tính nguồn nước, Trung tâm Cấp thoát nước đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng, đề nghị dừng cấp phép khảo sát, đầu tư xây dựng thủy điện Thác Thúy 2. Sau khi xem xét, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã có văn bản nêu rõ: Dự án thủy điện Thác Thúy 2, được UBND tỉnh cho phép Công ty Việt Long khảo sát, lập hồ sơ bổ sung vào quy hoạch thủy điện. Nhưng, Công ty không thực hiện đúng chỉ đạo của tỉnh, quá thời hạn vẫn không có báo cáo gửi các cơ quan chức năng. Như vậy, việc khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch dự án thủy điện Thác Thúy của Công ty Việt Long không còn được phép thực hiện.


Tuy nhiên, hiện tại việc sửa chữa, nâng cấp đường ống dẫn nước về Nhà máy xử lý nước Bắc Quang vẫn gặp nhiều khó khăn. Trung tâm Cấp thoát nước tiến hành đào kênh, đặt đường ống song song với kênh dẫn nước của thủy điện đã bị Công ty Việt Long ngăn cản. Nguyên nhân, do trước đó Công ty Việt Long đã làm Giấy CNQSD đất toàn bộ hệ thống đường kênh, đường ống dẫn xuống nhà máy thủy điện.


Điều 20, Luật Tài nguyên nước quy định: Trong trường hợp thiếu nước, việc điều hòa, phân phối phải ưu tiên cho mục đích sinh hoạt... Vì vậy, giới chủ Nhà máy thủy điện Thác Thúy cần thể hiện tinh thần hợp tác, chia sẻ nguồn nước sinh hoạt với người dân thị trấn Việt Quang.

 

THIÊN THANH (HGĐT) 


Nhà máy Thủy điện Thác Thúy cần chia sẻ nguồn nước sinh hoạt với người dân  (16/05)
Người Hà Nội tính chuyện khoan giếng vì mất nước kéo dài  (16/05)
Tiền Giang: Khắc phục ô nhiễm môi trường nước hạ lưu sông Tiền  (16/05)
Thoát nước cho mùa mưa 2014: Phải giảm cả số điểm và thời gian ngập  (15/05)
Hơn 78 tỷ đồng xây hệ thống thoát nước KCN Nam Hà Nội  (15/05)
Các tỉnh Trung Bộ cần chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước, khô hạn  (13/05)
TP HCM: Vùng ngoại thành vẫn "khát nước"  (12/05)
Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 10: Đầu tư tiền tỉ, dân vẫn 'khát' nước  (16/04)
Thiếu nước sạch ở nơi cung cấp nước sạch  (16/04)
Nước sinh hoạt Hà Nội không lọc hết độc tố  (14/04)
   
 
   Online :  14
   Total Online :  1394099