Ngày 2/7, tại phiên bế mạc hội nghị Thành ủy lần thứ 24, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải cho biết, quan điểm nhất quán của lãnh đạo thành phố là phải lo cho người dân có nước sạch để dùng, đồng thời yêu cầu các sở ngành phải thực hiện ngay việc này trong năm nay.
"Sau 40 năm đất nước thống nhất mà thành phố chưa lo được nước sạch cho người dân thì xót xa lắm. Mà đây là những người ở vùng căn cứ kháng chiến, những người hy sinh biết bao xương máu, như đất thép Củ Chi", ông Hải nói và yêu cầu các quận huyện và sở ngành phải thực hiện ngay "không cần bàn cãi gì nữa".
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải. Ảnh: Trung Sơn. |
Theo người đứng đầu Thành ủy TP HCM, ai cũng cần sử dụng nước hàng giờ, hàng phút nên phải đặt mình vào vị trí người dân. Họ phải dùng nước không hợp vệ sinh ngày này qua tháng kia thì rất bức xúc. Chưa kể nước không sạch sẽ sinh nhiều bệnh tật, kể cả ảnh hưởng đến thế hệ con cháu.
"Cả hệ thống chính trị phải làm, phân công rõ ràng, có giải pháp, lo nguồn vốn thực hiện khi đã đầu tư 8-9.000 tỷ đồng. Có mấy trăm m2 đất để đặt bồn mà các đồng chí kêu khó, không làm được là sao? Tôi không đồng ý cái này. Bí thư huyện, xã phải làm ngay", ông yêu cầu.
Trước ý kiến việc cung cấp nước sạch để cho nhà nước lo, ông Hải yêu cầu: "Phải xã hội hóa để có tính cạnh tranh, phục vụ nước sạch cho dân tốt hơn".
Trước đó, trong ngày làm việc đầu tiên của Thành ủy TP HCM, UBND TP cho biết hiện còn khoảng 350.000 hộ chưa có nước sạch, trong đó chủ yếu là vùng ven, ngoại thành. Để có thể đưa nước sạch đến những hộ này phải đầu tư lắp đặt hơn 3.000 km mạng ống cấp nước (trước mắt trong năm nay lắp đặt khoảng 1.000 km). Ngoài ra, thành phố cũng phát triển mạng lưới cấp nước tại các xã ngoại thành; đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các bồn chứa nước và máy lọc nước cho các hộ dân vùng sâu, vùng xa.
"Tuy nhiên, công tác đầu tư phát triển mạng lưới cấp nước gặp không ít khó khăn, chưa có bước đột phá về tình hình cung cấp nước sạch cho nhân dân, chất lượng nước chưa đạt yêu cầu. Dự kiến đến cuối năm nay vẫn còn hơn 7% hộ dân chưa được sử dụng nước sạch", Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân thừa nhận.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải TP HCM vào cuối năm 2014, huyện Bình Chánh chỉ có 41,13% của 139.648 hộ dân có nguồn nước của SAWACO, riêng xã Đa Phước ở huyện Bình Chánh vẫn chưa có. Hoặc xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè vẫn còn gần 500 hộ dân sử dụng nước giếng tự khoan. Quận 12 - nơi có 125.000 hộ dân, chỉ có khoảng một nửa được sử dụng nước sạch.
Tại huyện Củ Chi có 111.000 hộ sử dụng nước giếng khoan. Trong khi đó bình quân mỗi xã đều có 2-3 nghĩa trang, huyện lại có nhiều cơ sở chăn nuôi nên chất lượng nguồn nước giếng khoan không đảm bảo an toàn. |
Trung Sơn