Trao đổi với VnExpress ngày 23/8, ông Trần Quang Hưng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, thời gian qua nắng nóng kéo dài, nhu cầu về nước của người dân tăng vọt. Trong khi đó, lượng nước cấp cho Hà Nội không như trước do đường ống bị vỡ phải giảm công suất. Một số khu vực bị thiếu nước kéo dài nhiều ngày chưa từng có trong nhiều năm qua.
Theo ông Hưng, nhìn về tổng thể, tình trạng trên do lãnh đạo Hà Nội chưa quan tâm đầu tư nguồn nước. Từ năm 2007, ngoài nước sông Đà, thành phố không đầu tư thêm nguồn nào khác.
Trong khi đó, dân cư khu vực Tây Nam phát triển nhanh cộng thêm việc mở rộng địa giới hành chính khiến nhu cầu nước cao. "Các anh không nhìn xa, chỉ trông chờ vào nguồn nước sông Đà với 300.000m3/ngày đêm thì không thể đủ cho nhu cầu dân cư hiện nay", ông nói và cho hay đáng nhẽ, thành phố phải triển khai cả dự án nước mặt sông Hồng, sông Đuống từ rất lâu song vẫn chưa thực hiện.
Ông Hưng cho rằng, nếu Hà Nội có chủ trương phát triển nguồn nước, quan tâm đầu tư thì sẽ tham gia kiểm soát chặt chẽ chất lượng đường ống sông Đà. "Nếu không phó mặc cho Vinaconex, có lẽ đã không xảy ra hiện tượng vỡ ống liên tiếp như bây giờ", ông nói.
Theo ông Hưng, sau hàng loạt sự cố, Hà Nội phải có kế hoạch xây dựng tuyến ống thứ 2 ngay song đến nay dù vỡ ống tới lần thứ 13 tuyến mới vẫn chưa khởi công. "Vinaconex không làm được, thành phố Hà Nội phải đầu tư. Thực sự, lãnh đạo thành phố chưa quan tâm phát triển nguồn nước", ông nhận xét.
Theo lãnh đạo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Hà Nội sẽ tiếp tục thiếu nước trong thời gian tới phụ thuộc việc khắc phục đường ống nước sông Đà. Các nhà máy cần tăng công suất phân phối đến người dân, bố trí xe stec để cung cấp nước cho khu vực cuối nguồn. Thành phố cũng cần đẩy nhanh tiến độ các dự án xây mới nhà máy nước, nâng công suất các nhà máy nước cũ như Hà Đông, Sơn Tây.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nhận xét, tiến độ đầu tư xây dựng đường ống sông Đà số 2 hiện nay quá chậm. "Phải thực hiện ngay khi tình trạng vỡ ống xảy ra liên tục song đến nay vẫn chưa triển khai. Điều đó cho thấy Hà Nội chưa thực tâm đẩy mạnh giải quyết vấn đề nước sạch, chỉ khi dân bức xúc thì lãnh đạo đưa ra những kế hoạch nhằm trấn an".
Ông cũng cho rằng, hiện lượng nước ngầm của Hà Nội đã cạn, nếu tiếp tục khai thác công suất lớn sẽ khiến nước mặn xâm nhập. Giải pháp lâu dài là tiếp tục khai thác các nguồn nước mặt sông Đà, sông Hồng, sông Đuống. Trước đó rạng sáng 13/8, đường ống nước sông Đà đã bị vỡ lần thứ 13.
Trong khi khắc phục, lại phát hiện thêm một số điểm rò rỉ, bục, nứt nên công tác khắc phục kéo dài đến sang 15/8 mới hoàn thành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng nghìn hộ dân. Tình trạng giảm áp lực và nguồn nước được Sở Xây dựng Hà Nội ghi nhận khi đi kiểm tra áp lực nước tại các điểm cung cấp nước sông Đà cho mạng phân phối của thành phố. Ngoài Công ty nước sạch Hà Nội, các đơn vị phân phối khác như Viwaco, nước sạch Hà Đông cũng rơi vào tình trạng thiếu nguồn sau khi đường ống nước sạch sông Đà bị vỡ.
Nhiều khu vực được cấp nước luân phiên và cấp bằng xe stec như Láng Hạ, Láng Thượng, Thịnh Quang, Ô Chợ Dừa, Trung Liệt và Quang Trung của quận Đống Đ, quận Cầu Giấy và các phường Đông Ngạc, Thụy Phương, Cầu Diễn, Phú Diễn, Minh Khai, Xuân Phương, Tây Tựu của quận Bắc Từ Liêm...
Đoàn Loan (vnexpress)