Thứ 3, 8/1/2008 9: 21: 15 A.M

Liên hệ:
Nước sạch, hợp vệ sinh: Chớ nên xem nhẹ!
Nước sạch, hợp vệ sinh: Chớ nên xem nhẹ!
Sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh (SHVS) trong sinh hoạt góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, nâng cao sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh. Nhưng thế nào là nước SHVS không phải người dân nào cũng quan tâm và hiểu rõ.
  
Hệ thống bể lắng, ống bơm khu xử lý tại Nhà máy nước Tây Ninh

Trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc người dân sử dụng nước SHVS. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2010 - 2015 ghi rõ mục tiêu phấn đấu có 96% dân số toàn tỉnh sử dụng nước SHVS, trong đó có 45% sử dụng nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Trong các tiêu chí để xét nâng cấp đô thị và công nhận kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có tiêu chí quy định về số lượng người dân sử dụng nước SHVS- một trong những yêu cầu bắt buộc đối với từng địa phương.

Chưa thích xài nước nhà máy !

Những năm 90 của thế kỷ trước, người dân vẫn có thói quen sử dụng nước sông, suối, ao, hồ hoặc nước mưa để làm nguồn nước ăn uống và sinh hoạt. Sau đó, nhiều người sử dụng giếng đào và khi lưới điện đã phát triển rộng khắp thì việc sử dụng giếng khoan của người dân trở nên phổ biến.

Hầu hết người sử dụng nước chỉ dựa vào mắt thường để đánh giá chất lượng nước- chỉ cần thấy nước trong, không mùi, không vị là được. Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Hữu Tiến- Trưởng khoa Sức khoẻ cộng đồng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hầu hết nguồn nước ngầm tại địa bàn Tây Ninh đều không đủ nồng độ pH theo quy định (do nhiễm phèn), nước bơm lên phải để lắng trong bể một thời gian nhất định, hoặc phải xử lý (sơ chế) mới tạm gọi là nước hợp vệ sinh, chưa đủ tiêu chuẩn nước sạch. Hiện nay, mạch nước ngầm một số nơi đã bị ô nhiễm nặng nên nước giếng khoan cũng không còn sử dụng được, gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có hơn 70 cơ sở được cấp phép khai thác, cung cấp nước sinh hoạt, hầu hết là của tư nhân và các doanh nghiệp. Những cơ sở này chỉ bơm nước từ giếng khoan lên; nước chưa qua khâu xử lý nên chỉ là nước hợp vệ sinh.

Chỉ có Nhà máy nước Tây Ninh và 4 trạm ở tuyến huyện có trang bị hệ thống máy móc hiện đại và quy trình xử lý khép kín nên mới cho ra nguồn nước đạt chuẩn nước sạch.

 Nhà máy nước Tây Ninh được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1994 với tổng kinh phí hơn 160 tỷ đồng, công suất 18.000m3. Nước bơm từ kênh chính Tây, qua các công đoạn xử lý khép kín nghiêm ngặt, đạt tiêu chuẩn QCVN 01/2009 của Bộ Y tế.

Nhà máy có hệ thống đường ống các loại gần 400.000 mét, phủ hết diện tích thành phố Tây Ninh, một phần huyện Hoà Thành, Châu Thành và một phần xã Bàu Năng của huyện Dương Minh Châu. Thế nhưng, chỉ có 19.625 hộ đăng ký sử dụng nước từ nhà máy và chỉ có 373 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trú đóng trên địa bàn sử dụng nước nhà máy mà thôi.

Trong đó có hơn 1.200 hộ lắp đặt thiết bị, đồng hồ sử dụng nước máy chỉ để “đối phó”, còn hằng ngày vẫn sử dụng nước giếng tự khoan hoặc nước do các cơ sở khác cung cấp. Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh mỗi tháng chỉ sử dụng có 60m3 nước do Nhà máy nước cung cấp.

Chúng tôi làm một cuộc khảo sát nhỏ dọc theo một tuyến đường ở Hoà Thành, ghi nhận ở đây có hơn 30 cơ sở kinh doanh ăn uống nhưng chỉ có 4 cơ sở sử dụng nước từ nhà máy nước cung cấp, số còn lại sử dụng nước giếng tự khoan, hoặc nước do các cơ sở khác cung cấp.

Các địa phương trong tỉnh tỏ ra rất quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước ở những vùng tập trung đông dân cư, đồng thời tạo điều kiện cho các hộ ở vùng sâu, vùng xa vay vốn ưu đãi để xây dựng các công trình vệ sinh, khoan giếng lấy nước sinh hoạt.

Tuy vậy, ở một số nơi người dân vẫn chưa mặn mà với việc sử dụng nước SHVS do nhà máy và các trạm cung cấp nước. Trong khi đó, một số địa phương vùng sâu, vùng xa lại thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, vì nguồn nước bị ô nhiễm hoặc không thể khoan giếng để lấy nước.

Kỹ sư Trần Hữu Giàu- Phó quản đốc Nhà máy nước kiểm tra thiết bị xử lý vôi sữa.

Toàn huyện Hoà Thành chỉ có 4.225 hộ sử dụng nước từ Nhà máy nước Tây Ninh, chủ yếu là ở khu vực thị trấn Hoà Thành với 2.102 hộ/3.306 hộ. Khu thương mại Long Hoa chỉ sử dụng nước nhà máy cho công trình vệ sinh công cộng và cứu hoả, không có hộ kinh doanh nào sử dụng nước nhà máy.

Xã Bàu Năng (Dương Minh Châu) có đường ống nước dọc theo đường 781 nhưng chỉ mới có vài hộ sử dụng. Trong khi đó, tại ấp Ninh Phú, do người dân yêu cầu, xã đầu tư khoan một giếng nước cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân và trường THPT, nhưng do nước nhiễm phèn và vị trí khoan gần nghĩa địa cực lạc Thái Bình nên nguồn nước không đạt chuẩn, thế là công trình đành phải dừng thi công. Mặc dù vậy, nhiều người dân khu vực này vẫn tự khoan giếng lấy nước sinh hoạt, không sử dụng nước do nhà máy cung cấp.

Ông Trịnh Thành Nghiêm, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Tây Ninh cho  biết, do còn quá ít người sử dụng nước nhà máy, nên giá nước sinh hoạt tại hộ gia đình còn  cao (hiện nay là 6.500 đồng/m3). Nếu số lượng hộ sử dụng tăng cao thì giá sẽ giảm đi.

Tại huyện Châu Thành, ông Nguyễn Văn Toàn, ngụ ấp Thanh Thuận, xã Thanh Điền nhận xét: lấy nước từ giếng khoan tiện lợi, chủ động hơn so với sử dụng nước nhà máy. Nước giếng khoan vừa có thể dùng cho ăn uống, tắm giặt, vừa tưới ruộng vườn, mà chi phí lại rẻ hơn xài nước nhà máy. Có lẽ đây cũng chính là một lý do khiến nhiều người dân chưa muốn sử dụng nguồn nước do nhà máy cung cấp chăng?

Ông Trịnh Thành Nghiêm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Tây Ninh cho biết, do còn quá ít người sử dụng nước nhà máy, nên giá nước sinh hoạt tại hộ gia đình còn cao (hiện nay là 6.500 đồng/m3). Nếu số lượng hộ sử dụng tăng cao thì giá sẽ giảm đi.

Không thể xem nhẹ khâu kiểm tra

Xung quanh vấn đề sử dụng nước SHVS, theo bác sĩ Trần Hữu Tiến, cần phải giúp người dân thay đổi suy nghĩ theo hướng tiến bộ, có trách nhiệm với chính bản thân mình và với cộng đồng, đặc biệt là đối với các hộ kinh doanh mặt hàng ăn uống- loại hình hoạt động có tác động đến sức khoẻ của nhiều người.

Cũng theo bác sĩ Tiến, việc kiểm tra, xét nghiệm mẫu nước phải căn cứ rất nhiều tiêu chí, mất khá nhiều thời gian, chưa kể chi phí tối thiểu cho việc xét nghiệm một mẫu nước cũng phải 1 triệu đồng.

Muốn kiểm tra diện rộng cần phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành mới bảo đảm tính pháp lý. Ông cho rằng tỉnh nên ban hành quy định bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải định kỳ tự đưa mẫu nước đi xét nghiệm, ngành chức năng chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát mà thôi.

Thực tế cho thấy, thời gian qua công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đã được các ngành chức năng và các địa phương tiến hành khá rầm rộ, qua đó cũng đã phát hiện, xử lý khá nhiều cơ sở làm sai quy định.

Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý các trường hợp sử dụng nguồn nước không bảo đảm tiêu chuẩn SHVS để kinh doanh, gây nguy cơ bệnh tật, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ cộng đồng thì có vẻ chưa được quan tâm đúng mức.


Nước sạch, hợp vệ sinh: Chớ nên xem nhẹ!  (19/06)
Hội thảo: Cấp thoát nước tại các đô thị ở Việt Nam  (12/06)
Hoài Đức (Hà Nội): Đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng trạm xử lý nước thải Lại Yên  (12/06)
Hà Nội: Chằng chịt ống nước thải trên đầu hàng trăm hộ dân  (09/06)
Sẽ sớm hoàn thành dự án vệ sinh môi trường đô thị Quy Nhơn  (19/05)
Nguy cơ gia tăng ô nhiễm trên các sông, hồ Hà Nội  (19/05)
Nhà máy Thủy điện Thác Thúy cần chia sẻ nguồn nước sinh hoạt với người dân  (16/05)
Người Hà Nội tính chuyện khoan giếng vì mất nước kéo dài  (16/05)
Tiền Giang: Khắc phục ô nhiễm môi trường nước hạ lưu sông Tiền  (16/05)
Thoát nước cho mùa mưa 2014: Phải giảm cả số điểm và thời gian ngập  (15/05)
   
 
   Online :  21
   Total Online :  1394122