Tuy thời gian đầu gặp nhiều khó khăn nhưng trong giai đoạn nước rút của
dự án, hai năm gần đây, tiến độ thực hiện tại thành phố Quy Nhơn đang
rất tốt, đúng theo mục tiêu và dự án sẽ hoàn thành trước kế hoạch.
Đây là đánh giá của ông Lê Duy Hưng, Trưởng đoàn công tác Ngân hàng Thế
giới trong buổi làm việc với tỉnh Bình Định ngày 12/5 về việc tiến độ
thực hiện dự án “Vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải” tại thành
phố Quy Nhơn.
Dự kiến đến ngày 30/6, dự án tại thành phố Quy Nhơn sẽ cơ bản hoàn thành
với các hạng mục quan trọng là Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình, nhà
máy xử lý nước thải Bàu Lác, bãi rác Long Mỹ.
Ông Lê Duy Hưng cũng đề nghị tỉnh nghiên cứu để xây một Trung tâm giáo
dục truyền thông về bảo vệ môi trường tại Nhà máy xử lý nước thải Nhơn
Bình để nhân dân đến tham quan, tăng ý thức bảo vệ môi trường và tìm
hiểu về dự án qua các sơ đồ, mô hình trực quan.
Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, dự án vẫn còn nhiều bất cập
cần giải quyết dứt điểm. Ông Chris Bane, chuyên gia của Ngân hàng Thế
giới cho rằng công tác an sinh xã hội cần được chú trọng.
Hiện vẫn còn 17 hộ dân thuộc diện di rời tại vùng đệm Nhà máy xử lý nước
thải Nhơn Bình chưa nhận kinh phí bồi thường và không giao đất;14 hộ
dân tại vùng đệm bãi rác Long Mỹ khiếu nại việc thiếu điện tại khu tái
định cư. Ông Chris Bane cũng đề cao tính bền vững của dự án.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định tỉnh
sẽ giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng để dự án sớm đi vào
hoạt động.
Qua kết quả thực hiện khả quan và các tác động đáng kể của dự án, ông Hồ
Quốc Dũng đề xuất đầu tư bổ xung 47 triệu USD cho các hạng mục: cống
thoát nước mưa, mở rộng các nhà máy xử lý, chi phí tái định cư. Đây là
các hạng mục đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện do trước đây còn
thiếu vốn.
Dự án “Vệ sinh Môi trường các thành phố Duyên hải” được phê duyêt từ năm
2006 với tổng chi phí 250 triệu USD cho ba thành phố Quy Nhơn, Nha
Trang, Đồng Hới, trong đó thành phố Quy Nhơn được phân bổ 78 triệu USD.
Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ mang lại điều kiện vệ sinh tốt hơn cho
hơn 600.000 người dân tại ba thành phố; cải thiện chất lượng cuộc sống
và đảm bảo sự bền vững cho nền tảng kinh tế
dulịch của các thành phố./.